Nghiên cứu sinh, học viên dùng bằng giả ĐH Đông Đô đến từ hơn 20 trường đại học

Nghiên cứu sinh, học viên dùng bằng giả ĐH Đông Đô đến từ hơn 20 trường đại học
TP - Theo tìm hiểu của phóng viên, hơn 20 trường ĐH trên cả nước xác nhận có nghiên cứu sinh, học viên cao học sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án.

Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, ĐH Quốc gia 5 trường hợp, ĐH Huế và Học viện Báo chí - Tuyên truyền mỗi đơn vị có 4 trường hợp… Thống kê từ hơn 20 trường ĐH trên cho thấy, có khoảng vài chục trường hợp sử dụng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô. Riêng ĐH Huế, ngoài 4 trường hợp  làm nghiên cứu sinh hoặc cao học, theo tài liệu mà phóng viên có được, còn có 2 giảng viên trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) trúng tuyển năm 2018 vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô.  ĐH Quốc gia cũng có 1 giảng viên trúng tuyển vào lớp này.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói rằng, trường chưa biết xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của trường ĐH Đông Đô như thế nào nên đang chờ quyết định của các cấp có thẩm quyền. Đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, với những trường hợp dùng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định không công nhận văn bằng này. Nếu nghiên cứu sinh không có chứng chỉ quốc tế theo quy định, hoặc có văn bằng Ngôn ngữ Anh của trường ĐH đủ thẩm quyền thay thế thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Vị đại diện này cũng cho biết có một trường hợp rất đáng tiếc là thời gian làm nghiên cứu sinh đã hết nên không kịp để có chứng chỉ quốc tế thay thế.

 Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cho hay, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, những ứng viên giáo sư, phó giáo sư có văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh đều được miễn bảo vệ tiếng Anh trước hội đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi xảy ra vụ việc tại trường ĐH Đông Đô, Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu 100% ứng viên (có bằng hay không có bằng) đều phải bảo vệ bằng tiếng Anh trước hội đồng.

Học như thế nào?

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 10 bị can là cán bộ trường ĐH Đông Đô về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Ngoài các bị can đã bị khởi tố, kết quả điều tra vụ án còn xác định có 4 người có liên quan trong việc trung gian, giới thiệu các cá nhân để được trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, trong đó có bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1987, ở Hà Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đào tạo giáo dục Việt Nam) đã giới thiệu 14 trường hợp.

Trao đổi với phóng viên, bà Hiền nói rằng,năm 2018, công ty ký hợp đồng với trường ĐH Đông Đô. Trong điều khoản của hợp đồng, công ty chỉ có chức năng chính là tư vấn về hoạt động tuyển sinh của nhà trường (bao gồm các khóa học ngắn hạn, dài hạn và các chương trình học chính quy, văn bằng 2, thạc sĩ, tiến sĩ). Tiền phần trăm công ty được hưởng từ nhà trường gần như không có mà chỉ hưởng tiền tư vấn. Công ty môi giới học viên đến với trường ĐH Đông Đô với nhiệm vụ hướng dẫn học viên làm hồ sơ dựa trên thông báo của nhà trường và sau đó, học viên chuyển về trường.

Thông qua thông báo tuyển sinh của nhà trường, công ty đã đầu tư chi phí marketing để giới thiệu về các khóa tuyển sinh đào tạo và kiếm được xấp xỉ 80 học viên (38 người ở Lâm Đồng và hơn 40 người ở Hà Nội). Đối tượng học viên học văn bằng 2 mà công ty giới thiệu chủ yếu là sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người đi học có nguyện vọng làm đầu vào, đầu ra của bằng thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Trường ĐH Đông Đô đã thu học phí của học viên và thông báo, học viên ở xa nên trường áp dụng hình thức học 50% online và 50% thực tế (giảng viên nhà trường bay vào dạy). Đến nay, 12 người đã lấy bằng, còn một số khác chưa lấy bằng…

Theo bà Hiền, sau khi giới thiệu học viên vào trường, phía công ty không thể kiểm soát được trường dạy gì, lịch học thế nào… Đến khi thi cử, công ty bố trí vé máy bay để giảng viên nhà trường di chuyển. Tiền này đến từ quỹ lớp. Tháng 1/2019 đã có nhiều học viên nhập học hệ văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường.

Tháng 4/2019, cơ quan an ninh điều tra vào cuộc nên nhà trường đã cho học viên tạm dừng việc học không lý do. Trường ĐH Đông Đô thu tiền cả khóa ngay khi học viên vào học với số tiền là 29 triệu đồng/học viên, 1 triệu đồng lệ phí đầu vào, 1 triệu đồng lệ phí đầu ra. Tổng là 31 triệu đồng/học viên. Do chi phí quảng cáo phát sinh, nên trường ĐH Đông Đô trả cho công ty bà Hiền 3 triệu đồng/hồ sơ với điều kiện học viên tốt nghiệp lấy bằng, chứ trường không trả tiền ngay.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao về cấp và sử dụng bằng giả tại trường ĐH Đông Đô. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục-đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cho phép trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra sai phạm tương tự. Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện. Bộ sẽ có chỉ đạo cụ thể với từng bộ phận chuyên môn liên quan.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".