Nghịch lý thừa giáo viên: Trường 'tay ngang' đè bẹp trường chính quy

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới các cấp học sẽ thừa hơn 40.000 giáo viên.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới các cấp học sẽ thừa hơn 40.000 giáo viên.
TP - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, số giáo viên thừa của các cấp học là 40.264 người. Qua thực tế, các trường ĐH sư phạm hiện nay chỉ đào tạo chiếm một lượng chỉ tiêu rất nhỏ. 

Trong khi đó, những trường ĐH, CĐ địa phương đang đào tạo phần lớn chỉ tiêu sư phạm mỗi năm. Thế mới có chuyện, trong đào tạo giáo viên,  trường “tay ngang” đào tạo gấp 4 lần trường sư phạm chính quy.

Trong các bậc học đang thừa giáo viên,  bậc THCS  thừa nhiều nhất. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 người. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663.

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong khi các trường ĐH sư phạm chủ động cắt giảm chỉ tiêu từ mấy năm nay thì số lượng đào tạo giáo viên vẫn ở con số rất lớn. Lớn đến mức mà chính bản thân các trường ĐH sư phạm cũng phải ngạc nhiên.

Số liệu của Bộ GD&ĐT công bố, chỉ tiêu ngành sư phạm năm 2017 là trên 50.000. Nhưng 7 trường ĐH sư phạm lớn của cả nước, có thể gọi là sư phạm trọng điểm (ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm TPHCM) chỉ đào tạo chưa đến 10.000 chỉ tiêu.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tuyển sinh 2018, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm chỉ khoảng trên 7.000. Trong khi đó, số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy, tổng chỉ tiêu đào tạo giáo viên năm 2018 vào khoảng 35.000 chỉ tiêu. Như vậy, 7 trường ĐH trọng điểm chỉ chiếm  trên 20% gói chỉ tiêu này.

Trong khi đó, thống kê cho thấy, cả nước hiện có 152 trường ĐH, CĐ, trung cấp có đào tạo sư phạm.  Trong số này, chỉ có 13 trường ĐH sư phạm, 30 trường CĐ sư phạm, 2 trường trung cấp sư phạm, tổng là 45 trường. Như vậy, số trường ĐH, CĐ, trung cấp đa ngành, địa phương có đào tạo sư phạm là 107 trường, gấp gần 2,4 lần số trường sư phạm.

Cơ hội để các trường sư phạm đổi mới

Nói về vấn đề giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm, PGS.TS Nguyễn Quang Huy, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Từ khi Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương trường đã tự giảm. Năng lực của trường đào tạo tối đa có thể lên đến hơn 2.000 nhưng thực tế, chỉ tiêu mấy năm gần đây của trường chỉ khoảng 1.200 SV/năm.  Thậm chí, từ năm 2017, những ngành ngoài sư phạm như cử nhân Vật lý, cử nhân Sinh học, cử nhân Hóa học trường đã dừng tuyển sinh.

Đồng quan điểm này, GS. TS Phạm Hồng Quang, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho biết trường chủ động cắt giảm chỉ tiêu từ mấy năm nay. Chỉ tiêu năm 2018 của trường chỉ có 900 chỉ tiêu. “Nếu tính tổng chỉ tiêu của 7 – 8 trường ĐH sư phạm trọng điểm thì mỗi năm, các trường chỉ đào tạo khoảng 10.000 sinh viên. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu năm 2017 đối với ngành sư phạm là trên 50.000. Vậy 40.000 chỉ tiêu do các trường nào đào tạo? Bài toán thừa giáo viên từ đâu?” – GS. Phạm Hồng Quang đặt câu hỏi.

GS. Phạm Hồng Quang phân tích, việc thừa thiếu giáo viên hiện nay mang tính cục bộ. Ví dụ theo điều tra khảo sát thực tế của ĐH Sư phạm Thái Nguyên, tỉnh Lạng Sơn đang thiếu giáo viên Vật lý, Công nghệ thông tin, Thể chất. Nhưng làm thế nào để các sinh viên biết được ở tỉnh đó đang thiếu những ngành này lại là một câu chuyện khác. “Bản thân các trường sư phạm chỉ biết công bố mã ngành đào tạo, công bố chỉ tiêu. Còn chỉ tiêu này cho ai thì không giống như ngành công an, quân đội. Ra khỏi cổng trường là giáo sinh tự tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Việc nghiên cứu số lượng giáo viên thừa thiếu chỉ có ý nghĩa về mặt quốc gia. Còn về phía các trường, phải nghiên cứu sâu thêm” –GS. Quang nói.Ông cho hay mơ ước của hiệu trưởng các trường sư phạm là từ đầu vào đến đầu ra của ngành cũng giống như các trường công an quân đội. Đấy mới là chiến lược phát triển quốc gia.

Nhu cầu thiếu giáo viên không thể mặc định thiếu vùng nào vùng đó đào tạo. “Chúng tôi cứ tưởng Cao Bằng là địa bàn của chúng tôi. Nhưng không phải. Chỉ có 19 em học ở đây. Chúng tôi cứ tưởng Hà Nội là địa bàn của trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng có gần 300 sinh viên là người Hà Nội đang học ở đây. Vì vậy, các trường cũng không thể đặt vị trí  vùng để bám sân. Vấn đề tuyển sinh sư phạm, thừa thiếu giáo viên phải tuân theo quy luật điều phối của thị trường. Nhưng mặt khác, nhà nước đã bỏ tiền ra đào tạo giáo viên nên nhà nước phải quản lý và các trường cũng phải đào tạo đúng địa chỉ” – GS. Quang nêu thực tế.

PGS. Nguyễn Quang Huy cho rằng, với những khó khăn, thách thức đối với sư phạm hiện nay, cũng có thể coi đó là cơ hội, là điểm dừng để các trường tái cấu trúc, quy hoạch lại các ngành đào tạo để nâng cao chất lượng của mình.

Với chủ trương giảm chỉ tiêu vào các trường ĐH sư phạm khoảng gần 40% năm 2018, một số trường ĐH địa phương có đào tạo sư phạm bị cắt giảm mạnh nhất. Trường ĐH Phạm Văn Đồng, từ 335 chỉ tiêu đào tạo ĐH sư phạm nay giảm chỉ còn 100. Ở khối ngành CĐ sư phạm, chỉ tiêu cũng giảm mạnh từ 1.424 xuống còn 491 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu bậc CĐ và ĐH nhóm ngành sư phạm của trường này bị cắt giảm đến 75% so với chỉ tiêu công bố trước đây. Các trường cao đẳng sư phạm cắt giảm chỉ tiêu khá lớn, trong đó có trường cắt giảm tới 73% chỉ tiêu như CĐ Sư phạm Hà Giang. Trường Trung cấp Đông Đô cắt giảm từ 470 chỉ tiêu xuống còn 45 chỉ tiêu, giảm hơn 90%.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình: Lệnh khẩn cấp di dân xả lũ
Ninh Bình: Lệnh khẩn cấp di dân xả lũ
TPO - Chiều 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, đã ký lệnh di dời dân cư tại các khu vực phân lũ và chuẩn bị xả lũ trên địa bàn huyện Gia Viễn và Nho Quan.