Nghịch lý lông hổ màu cam nổi bật nhưng lại giúp chúng dễ săn mồi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ lông màu cam khiến hổ dễ dàng bị con người phát hiện từ xa, nhưng điều này không đúng với đôi mắt của con mồi như hươu, dê, thỏ…

Màu sắc và hoa văn lông của động vật phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như giúp chúng nổi bật để thu hút bạn tình hoặc cảnh báo kẻ thù rằng chúng có độc. Nhưng đối với thú săn mồi phục kích như hổ, khả năng tàng hình trước con mồi sẽ quyết định việc chúng có được bữa ăn thịnh soạn hay đi ngủ với cái bụng rỗng.

Trong tất cả các màu trên thế gian, tại sao lông hổ lại có màu cam? Đối với con người, màu cam được dùng nhiều cho những thứ cần thực sự nổi bật, như cọc tiêu giao thông, áo bảo hộ… Đối với mắt chúng ta, màu cam nổi bật trong hầu hết các môi trường. Thực tế này khiến hổ tương đối dễ bị phát hiện.

Nhưng đó là bởi vì chúng ta có cái gọi là thị giác tam sắc (3 màu). Khi ánh sáng từ thế giới bên ngoài đi vào mắt, nó sẽ chạm vào một lớp mỏng ở phía sau gọi là võng mạc. Võng mạc xử lý ánh sáng bằng cách sử dụng hai loại thụ thể ánh sáng: tế bào hình que và tế bào hình nón.

Tế bào hình que chỉ cảm nhận sự khác biệt về ánh sáng và bóng tối, không phải màu sắc và chúng được sử dụng chủ yếu trong ánh sáng mờ. Tế bào hình nón là thứ chúng ta sử dụng để nhận biết màu sắc, và hầu hết con người có ba loại: tế bào hình nón cho màu xanh lam, xanh lá cây và đỏ.

Đó là lý do tại sao thị giác của con người được gọi là tam sắc (trichromatic). Chúng ta có thể nhìn thấy ba màu cơ bản và sự kết hợp của chúng. Loài vượn và một số loài khỉ giống chúng ta ở điểm này.

Tuy nhiên, hầu hết các loài động vật có vú trên cạn, như chó, mèo, ngựa, hươu… có thị giác lưỡng sắc. Điều đó có nghĩa là võng mạc của chúng chứa các tế bào hình nón chỉ dành cho hai màu: xanh lam (xanh da trời) và xanh lục (xanh lá cây).

Nghịch lý lông hổ màu cam nổi bật nhưng lại giúp chúng dễ săn mồi ảnh 1

Hổ vồ hươu. Tranh: Bob Kuhn.

Không loài vật nào có lông màu xanh lục

Những người chỉ nhận được thông tin từ các tế bào hình nón màu xanh lam và xanh lá cây của họ được coi là mù màu và không thể phân biệt giữa các sắc thái màu đỏ và xanh lá cây.

Điều này cũng có thể đúng với động vật có thị giác lưỡng sắc. Động vật có vú trên cạn như hươu là con mồi chính của hổ và thị giác lưỡng sắc của hươu có nghĩa rằng, chúng không nhìn thấy kẻ săn mồi có màu da cam.

Dù lông hổ màu cam thì hươu vẫn nhìn ra màu xanh lục. Điều đó khiến hổ khó bị phát hiện hơn nhiều vì chúng thường rình mồi sau bụi rậm hoặc thu mình trong cỏ.

Dù hổ lông xanh có lẽ sẽ khó bị phát hiện hơn, nhưng quá trình tiến hóa không hoạt động với các thành phần cần thiết để tạo ra bộ lông xanh.

Ông John Fennell, giảng viên về cảm biến động vật và sinh trắc học tại Trường Thú y Bristol (Anh), nói: “Về bản chất, việc tạo ra màu nâu và màu cam do cấu trúc phân tử sinh học ở động vật dễ dàng hơn là tạo ra màu xanh lá cây. Trên thực tế, loài động vật có vú duy nhất có lông màu xanh lá cây là con lười. Tuy nhiên, lông của chúng không thực sự có màu xanh lá cây. Đó là một loài tảo mọc trong bộ lông của con lười. Theo như tôi biết, không có loài động vật nào có bộ lông màu xanh lá cây”.

Nghịch lý lông hổ màu cam nổi bật nhưng lại giúp chúng dễ săn mồi ảnh 2

Màu xanh ở lông của con lười đến từ một loại tảo. Ảnh: BBC Science.

Tại sao con mồi không tiến hóa để nhìn thấy màu cam?

Ông Fennell đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để xác định màu lý tưởng và các hoa văn lý tưởng để ẩn mình trong các môi trường khác nhau.

Năm 2018, nghiên cứu của ông đã được trình bày trên chương trình BBC One “Animals Behaving Badly”. Ông Fennell nói với Live Science: “Chúng tôi đã yêu cầu người thuyết trình thực hiện một thí nghiệm đơn giản để minh họa mức độ hiệu quả của việc ngụy trang cụ thể nếu bạn là người có thị giác lưỡng sắc”.

“Có một hình ảnh ở dạng màu trichromat (3 màu). Đó là một hình ảnh màu bình thường. Và cô ấy đeo kính lưỡng sắc, việc này khiến cô ấy bị mù màu. Và chúng tôi đã đối chiếu việc cô ấy đeo kính và không đeo kính với việc cố gắng tìm ra hình con hổ trong ảnh”, ông Fennell kể. Người thuyết trình đã mất nhiều thời gian hơn mới tìm thấy con hổ khi đeo kính lưỡng sắc.

Nhưng xét rằng quá trình tiến hóa có xu hướng ủng hộ những đặc điểm giúp loài vật tồn tại, tại sao con mồi (hươu, ngựa vằn, dê, thỏ…) lại không tiến hóa khả năng nhìn thấy màu da cam?

Ông Fennell nói: “Bạn tưởng tượng rằng trong một cuộc chạy đua vũ trang tiến hóa, sự cải thiện trong nhận thức thị giác sẽ cung cấp cho con mồi hệ thống thị giác tốt hơn. Nhưng dường như không có áp lực tiến hóa nào, đặc biệt là đối với hươu, con mồi chính của hổ, để chúng có được thị giác tam sắc. Đó có thể là vì hổ cũng không biết nó có màu cam vì nó cũng là một loài có thị giác lưỡng sắc.

“Vì vậy, cuộc chạy đua vũ trang tiến hóa thực sự không tồn tại cho màu đó. Chỉ là loài hổ đã trải qua quá trình tiến hóa để có màu sắc, một hệ thống ngụy trang, bảo vệ chúng rất tốt trong bối cảnh rừng rậm”, ông Fennell giải thích.

Nghịch lý lông hổ màu cam nổi bật nhưng lại giúp chúng dễ săn mồi ảnh 3

Một con hổ trong vườn quốc gia ở bang Madhya Pradesh của Ấn Độ: Ảnh: Alamy.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.