Rộn ràng tranh hổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vẽ hổ vừa dễ, vừa khó. “Vẽ hiền quá thì ra con mèo. Vẽ dữ quá, người ta sợ không dám treo”, họa sỹ Lê Trí Dũng chia sẻ. Nhưng từ họa sỹ thành danh đến họa sỹ vô danh đều muốn trổ tài họa tranh Tết. Có người coi đây là một “mùa thu lượm” nhưng có họa sỹ lại nhất định chỉ vẽ tranh hổ tặng bạn bè, không bán ra ngoài.
Rộn ràng tranh hổ ảnh 1

Tranh hổ Nguyễn Đoan Ninh

Mấy năm gần đây, họa sỹ Đỗ Minh Tâm mới vẽ tranh con giống. Năm ngoái anh vẽ trâu, năm nay anh vẽ hổ. Đó là những con vật có tạo hình đẹp và gần gũi với người Việt (con hổ là nhân vật quen thuộc trong truyện dân gian, tranh dân gian Việt Nam). Đỗ Minh Tâm nổi tiếng với dòng tranh trừu tượng song hổ của anh không trừu tượng, anh chọn lối Pop Art. Lượng tranh hổ của Đỗ Minh Tâm không nhiều, kích thước tranh nhỏ xinh, khoảng 40 cm x60 cm, chất liệu sơn dầu hoặc acrylic trên toan. Muốn sở hữu tranh hổ của Đỗ Minh Tâm thì con đường duy nhất là trở thành bạn anh: “Vẽ để tặng thôi. Thay cho bao lì xì ấy mà”, anh nói.

Rộn ràng tranh hổ ảnh 2

Tranh hổ Lê Trí Dũng

Họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh đã vẽ tranh con giống nhiều năm. Mới bắt tay vào vẽ tranh hổ khoảng đôi tháng trở lại, song anh đã có một bộ sưu tập trên chục bức. Tranh hổ của Nguyễn Đoan Ninh không liên quan đến tranh dân gian Hàng Trống: “Tôi vẽ mực nho thì một số nét tương đồng với Trung Quốc. Là do chất liệu như thế, cách thể hiện như thế thì nó phải như thế thôi!”, anh chia sẻ. Nguyễn Đoan Ninh nhấn mạnh dấu ấn “chúa sơn lâm” của con giống được tôn vinh năm nay.

Rộn ràng tranh hổ ảnh 3

Tranh hổ Tào Linh

Khác với họa sỹ Nguyễn Đoan Ninh, họa sỹ Tô Chiêm thừa nhận, anh chịu ảnh hưởng của tranh dân gian Hàng Trống khi họa hổ: “Tuy nhiên tôi vẽ hiền lành hơn rất nhiều, không dữ dội như tranh Hàng Trống, cũng không linh thiêng như tranh thờ”. Cách đây 5, 10 năm Tô Chiêm đã vẽ hổ trên giấy, chỉ để chơi. Năm nay anh vẽ khoảng 10- 12 con hổ, chất liệu bột màu trên giấy hoặc sơn dầu trên toan, kích thước nhỏ và vừa.

Tào Linh khởi động vẽ hổ từ đầu tháng 11 năm 2021, theo yêu cầu của người bạn là kiến trúc sư, người đã có gần đủ bộ sưu tập tranh con giáp của anh. “Tranh hổ năm nay của tôi có thể nói là “phái sinh” của tranh hổ thờ Hàng Trống. Tuy nhiên tranh hổ của tôi không phải tranh thờ nên không bị chi phối bởi nguyên tắc phải có của tranh thờ. Chính vì thế khi vẽ tôi rất thoải mái. Áp lực duy nhất chỉ là tranh phải đẹp”, anh giới thiệu.

Rộn ràng tranh hổ ảnh 4

Tranh hổ Lê Công Thành

Một trong những họa sỹ có thâm niên vẽ tranh con giống, phải kể đến Lê Trí Dũng : “Tôi bắt đầu vẽ hổ cũng như các con giáp khác trong vòng địa chi từ khi hết chiến tranh 1975. Kể từ đó đến nay đã hơn 40 năm rồi! Nhưng thực sự vẽ nhiều và đều đặn là từ khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đến làm hàng xóm của tôi. Hàng ngày tôi được sang xem và học ông”. Ba con vật Lê Trí Dũng thích vẽ nhất là Ngựa, Gà, Hổ. Không vẽ dữ quá, cũng không vẽ hiền quá, họa sỹ vẽ “Chúa sơn lâm” oai phong, uy dũng nhưng không tàn bạo: “Vẽ theo ngũ hành kết hợp hoa đào (mùa xuân) và mặt trời (chính nghĩa), có bức kết hợp lễ hội, hoặc biểu tượng gia đình hạnh phúc”, ông giới thiệu. Năm 2010, nhân dịp 60 tuổi, họa sỹ Lê Trí Dũng từng có triển lãm 60 con hổ: “Những con hổ ngày đó hiện đại và đơn giản hơn con hổ hôm nay, dân gian và tâm linh hơn”.

Trong gia tài mỹ thuật cố điêu khắc gia, họa sỹ Lê Công Thành để lại có một bức tranh bột màu trên giấy, kích cỡ 80 cm x100 cm, vẽ cô gái khỏa thân dựa vào con hổ. Tác phẩm được sáng tác năm 1984, cách đây đã 38 năm. Theo phu nhân cố họa sỹ Kim Thái, đây là bức tranh hổ duy nhất của cố điêu khắc gia. Con hổ trong tranh của Lê Công Thành có tạo hình điêu khắc, khác biệt với những con hổ của các họa sỹ khác. Tác phẩm độc đáo này vừa hé lộ, ngay lập tức được một nhà sưu tập ở Sài Gòn rước về trước Tết Nguyên đán.

MỚI - NÓNG