> Chi hàng ngàn tỷ đồng, sao vẫn ngập?
> Bắt cá, lội nước trên đường phố Hà Nội
Tòa nhà 72 tầng Keangnam cao nhất nước thành ốc đảo. Dịch vụ lạ như đẩy xe hay mò biển số mấy ngày nay đắt khách trên đường Phạm Hùng. Đường vành đai huyết mạch nối từ Hà Đông đi Văn Điển (QL 70) đến sáng qua vẫn ngập hàng km, dân được xe công chở “tăng bo” miễn phí qua đoạn đường này. Sông Nhuệ tràn bờ. Một lần nữa Hà Nội lại phải xả nước sông Nhuệ vào nội đô (qua sông Tô Lịch ra sông Hồng) để tiêu úng.
Thực trạng trên khiến người dân Hà thành không khỏi lo ngại, liệu cảnh ngập lụt lịch sử như năm 2008 có tái diễn? 5 năm qua, hàng ngàn tỷ đồng cả vốn vay ODA lẫn đối ứng đã được đầu tư vào hệ thống thoát nước thủ đô, nhưng xem ra tình trạng ngập úng vào mùa mưa vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Vì sao vậy? Hẳn mỗi công dân thủ đô nếu chịu khó quan sát đều không khó tìm cho mình câu trả lời. 5 năm trước, Hà Nội chưa có Keangnam và hàng loạt tòa cao ốc nguy nga tráng lệ khác. 5 năm trước, vùng ven Hà Nội vẫn cỏ mọc xanh rì, vẫn đồng lúa tốt tươi hay ao hồ mát mắt. Nay nhiều vùng ven đã lên phường, lên quận, đã kịp bê tông hóa cứng mặt đất. Hỏi nước lấy chỗ nào mà ngấm, mà thoát đây? Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh bao nhiêu thì tốc độ xây dựng hệ thống thoát nước lại chậm bấy nhiêu.
Tổng Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê thừa nhận, “quá trình đô thị hóa nhanh trong khi hệ thống thoát nước vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh”, “may mưa chỉ hai ngày chứ kéo dài thì nguy”. Bê tông hóa khiến Hà Nội nóng hơn vì bức xạ nhiệt và cũng dễ ngập lụt hơn mỗi khi mưa về.
Chính vì nghịch lý và bất cập này mà điệp khúc “phố thành dòng sông uốn quanh” tiếp tục tái diễn mỗi khi trời mưa nặng hạt. Nếu nghịch lý trên vẫn tiếp tục tái diễn, nếu trời mưa không chỉ có hai ngày như vừa qua, cảnh tượng ngập lụt 2008 không những vẫn ám ảnh cư dân Hà thành mỗi đêm mưa mà rất có thể trở thành hiện thực bất cứ lúc nào.