Báo cáo của UBND TPHCM cho thấy nhiều con số nổi bật, đó là giữ được đà tăng trưởng, với mức tăng GRDP ước đạt 6,71% trong quý 3; GRDP tăng 4,57% so với cùng kỳ; Tổng doanh thu trong lĩnh vực du lịch 9 tháng ước đạt 125.463 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 4,5% so với kế hoạch năm 2023. Ngoài ra, có 860 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn 406,14 triệu USD, tăng 51,7% về số dự án và tăng 16,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Thế nhưng, trong rất nhiều chỉ tiêu vượt mức nói trên, thì mức giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 30% so với kế hoạch được giao là không như mong đợi.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, năm 2023, thành phố được Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư công gần 70.000 tỷ đồng. Tính đến nay, thành phố giải ngân được 20.523 tỉ đồng.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố không chỉ chậm mà đang có dấu hiệu chững lại. Nếu không có giải pháp đẩy mạnh, thì tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2023 sẽ khó bứt phá, khó tạo bước đệm cho năm 2024.
Như vậy, có thể thấy, giải ngân vốn đầu tư công luôn là câu chuyện đau đầu, là vấn đề khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương. Làm thế nào để “tiêu hoá” được nguồn vốn đầu tư công? Hay “nghĩ cách tiêu tiền” từ nguồn vốn này, vẫn là bài toán khó giải.
Tại cuộc họp báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng đặc biệt quan tâm vấn đề này. Ông Hoan đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung các giải pháp tháo gỡ đối với 2 nhóm dự án đầu tư công là dự án giải phóng mặt bằng và dự án quy mô lớn, liên vùng. Nhiều giải pháp cũng được lãnh đạo TPHCM đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn trong giải ngân. Từ việc cần xây dựng tiêu chí ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tránh dàn trải, đến việc sẽ tổ chức hội nghị thúc đẩy đầu tư trên địa bàn thành phố, bao gồm đầu tư công. Và, cũng như Đồng Nai, Bình Dương, người đứng đầu TPHCM cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư công chưa được như mong muốn để xử lý.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chúng ta vẫn phải nhìn thấy những điểm tích cực trong khó khăn chung. “Nói đi cũng phải nói lại, mức giải ngân nói trên tuy không đạt chỉ tiêu năm nay, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn cao hơn 10.235 tỷ đồng. Như vậy, nếu nhìn ở những con số, chứng tỏ các dự án vẫn có sự hoạt động”, đại diện của Sở KH&ĐT chia sẻ.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng nhìn thấy những tín hiệu lạc quan và cho rằng, 9 tháng đầu năm, có những dự án nhiều năm bất động, thì nay đã được khởi động. Nhiều dự án bồi thường đã được giải quyết, không còn vướng mắc. Thế nhưng, người của cơ quan này cũng thừa nhận, rất khó để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2023, khi thời gian chỉ còn lại 3 tháng cuối năm. Vì vậy, câu chuyện “tiêu tiền” nói thì dễ mà xem ra không dễ chút nào!