Nghẹn lời trong hạnh phúc

Ngày nào cũng xuống xem việc cứu hộ, bà Vân sung sướng khi cháu của mình, anh Nguyễn Anh Tuấn được cứu. Ảnh: L.H.V.
Ngày nào cũng xuống xem việc cứu hộ, bà Vân sung sướng khi cháu của mình, anh Nguyễn Anh Tuấn được cứu. Ảnh: L.H.V.
TP - Khi những công nhân lạnh cóng, mệt lả được cõng ra ngoài an toàn, tất cả cùng vỡ òa trong hạnh phúc. Không chỉ người nhà, lực lượng cứu hộ cũng ôm chầm lấy nhau, trong tiếng vỗ tay không ngớt.

Trong suốt quá trình cứu hộ, người nhà một số công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện tới hiện trường để theo dõi công tác cứu hộ, chờ đợi tin tức. Hầu hết người nhà đều được đơn vị thi công (Cty CP Sông Đà 505) và xã Lát bố trí cho ăn ở tại khu lán trại của công nhân. Một số cán bộ xã và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đã có nhiều người thân tới hiện trường và được bố trí ăn ở khu vực này.

Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp cận khu vực này, những người chúng tôi gặp đều từ chối nhận là người nhà, mà chỉ nói là công nhân.

Nỗi đau

Chiều 19/12, tại hiện trường vụ sập hầm, chúng tôi may mắn gặp được vợ chồng ông Nguyễn Viết Tỵ - chú của anh Nguyễn Anh Tuấn (hộ khẩu xóm Bình Thành, xã Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh). Bà Vân, vợ chú Tỵ, cho biết, nhà ông bà cách hầm này hơn 2km, ngày nào bà đi làm về cũng xuống khu vực cứu hộ để nghe ngóng thông tin vì thương những công nhân mắc kẹt, mà chưa biết cháu mình cũng ở trong đó.

“Chiều nay bố Tuấn gọi điện thông báo tình hình của Tuấn đang gặp nạn, tôi mới biết là cháu mình cũng bị mắc kẹt trong hầm. Vừa biết là vợ chồng tôi xuống đây liền”, bà Vân nói trong lo âu. Hơn một giờ sau khi bà Vân cung cấp thông tin về gia đình của anh Tuấn, Cty CP Sông Đà 505 mới cử người gọi điện về hỏi thăm gia đình, thông báo về tai nạn, cứu hộ và sức khỏe của những công nhân.

Lúc 15h30 hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, ông Nguyễn Viết Tuy (53 tuổi), bố của anh Nguyễn Anh Tuấn, cho biết, anh Tuấn vào làm cho công trình thủy điện Đạ Dâng được 3 tháng thì xảy ra chuyện. “Ở nhà, mọi người cũng đang rất lo lắng, mẹ Tuấn đêm nào cũng sụt sùi khóc một mình, tôi là đàn ông trong nhà nên phải cố bình tĩnh”, ông Tuy nói. Tuấn là con thứ 2 của gia đình, chị gái lập gia đình và vào Tây Ninh định cư, còn 3 em đều đang đi học (em kế sau Tuấn đang học năm 2 Đại học Vinh, 2 em sau đang học phổ thông). Nhà chỉ có 5 sào ruộng, nên bố mẹ Tuấn phải làm thêm đủ việc để có tiền nuôi con ăn học. Mới đi làm 3 tháng, nhưng Tuấn cũng cố gắng tiết kiệm để gửi tiền về giúp bố mẹ chăm lo các em. “Gia đình đang dự định Tết này Tuấn về sẽ đặt vấn đề cưới vợ cho nó vào năm tới để có con cho bố mẹ vui, vì bố mẹ cũng nhiều tuổi rồi. Nào ngờ xảy ra cơ sự này, còn chưa biết ra sao”, ông Tuy nghẹn lời.

Tám tháng trước, ông Tuy bị tai nạn lao động, đang bốc dỡ hàng trên xe tải thì trượt chân ngã. Hậu quả, gót chân bị vỡ, đi lại khó khăn, công việc tạo thu nhập cho gia đình cũng mất. Sau nhiều tháng chữa trị, tới nay, việc đi lại của ông Tuy đã đỡ hơn, nhưng vẫn chậm chạp, ông chưa thể làm việc nặng.

Nghẹn lời trong hạnh phúc ảnh 1

Khu lán trại công nhân được đơn vị thi công bố trí cho người nhà nạn nhân ở. Ảnh: L.H.V.

Ông Tuy nói, khi Tuấn gặp tai nạn, gia đình không hay biết, phải một ngày sau mới có người ở làng bên (cũng có con làm tại  công trình thủy điện Đạ Dâng) báo mới biết. Cty thuê Tuấn không có thông báo gì với gia đình. “Chị Tuấn dự kiến 3 ngày nữa sẽ lên tới nơi, còn vợ chồng tôi phải chuẩn bị vài thứ nên phải 5 ngày mới tới chỗ con được”, ông Tuy nghẹn ngào.

Ông Tuy kể, khi còn ở nhà, Tuấn rất ngoan, nhưng lực học yếu nên không thi được đại học, phải đi học nghề và đi làm sớm. “Mỗi lần gọi điện về, Tuấn đều dặn các em phải cố gắng, bảo ban nhau học hành, để không vất vả như anh”, ông Tuy nói.

Trong khi đó, cô của anh Hoàng Đình Thịnh (Nam Định) kể, Thịnh không phải công nhân được phân công đào hầm hôm đó, mà công việc của anh Thịnh là ở phía ngoài hầm. Tuy nhiên, hôm đó, Thịnh được nghỉ nên vào hầm chơi, bất ngờ xảy ra sự cố. “Một số công nhân thoát ra từ vụ sập kể với tôi, khi công nhân đang khoan, mái hầm sụt. Người trực tiếp khoan hô lên và chạy ngược vào trong. Lúc đó có 2 người đang ở phía ngoài của mũi khoan nên chạy ra ngoài kịp. Những người còn lại trong tốp thợ thì chạy ngược vào trong, vì nếu chạy ra sẽ bị đất đá đè ngay. Thế Thịnh mới bị kẹt, còn bình thường nó có vào trong đấy đâu”, cô của anh Thịnh nói. Thịnh bị hen suyễn, nên hai ngày đầu, anh bị khó thở.

Nghẹn lời trong hạnh phúc ảnh 2 Cô của anh Hoàng Đình Thịnh vỡ òa vui sướng khi anh được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn. Ảnh: Đại Dương.

Niềm vui

Tới 16h10 phút, khi những công nhân mắc kẹt được đưa ra khỏi hầm và vẫn an toàn, phóng viên gọi điện báo gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn. Ông Tuy, bố Tuấn, yên lặng trong chốc lát rồi mới hỏi lại “thật à, thật à”. Khi phóng viên khẳng định tới lần thứ 3, ông mới bảo “thế là ổn rồi, ổn rồi”, rồi ông không nói gì nữa, trong điện thoại chỉ còn nghe tiếng vọng “mẹ thằng Tuấn ơi…”.

Tới 20h30, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Tuy nói với giọng khàn đặc: “Bác vừa báo với tất cả hàng xóm, họ hàng biết, từ chiều tới giờ còn chưa ai nấu cơm. Cả nhà giờ vui mừng lắm, cứ tưởng không còn được gặp con nữa, ai ngờ… may mắn quá”.

Bà Lê Thị Dần, mẹ anh Tuấn, nghẹn ngào: “Bác mừng quá, khóc từ chiều tới giờ. “Cảm ơn các cơ quan, lực lượng cứu hộ đã cố gắng để cứu sống được con tôi và những người thợ cùng gặp nạn khác”. Ông Tuy đã chạy khắp xóm vay được hơn 3 triệu đồng để ngày 20/12 bắt xe vào Lâm Đồng chăm con. “Lúc con gặp nạn, không gì bằng bố mẹ bên cạnh”, ông Tuy nói.

Cũng có mặt tại thời điểm các công nhân được đưa ra ngoài, cô và chị gái của anh Hoàng Đình Thịnh cũng vỡ òa trong hạnh phúc, tay lau mặt, tay bấm điện thoại thông báo hết bố mẹ tới anh em, họ hàng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các bác sĩ chăm sóc tốt nhất cho anh Thịnh, cả cô và chị gái đều không được vào trong lán y tế gặp anh Thịnh ngay. Phía ngoài lán trại, mỗi khi định lao vào, họ lại bị lực lượng bảo vệ kéo lại. Phải hơn 15 phút sau, hai người mới lấy lại bình tĩnh, chờ tới khi bác sĩ cho vào thăm.

MỚI - NÓNG