Thú thực là tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy chị trên sân khấu chính kịch, mà lại kịch kinh điển nữa. Chị có bị áp lực với vai diễn vợ quan thanh tra trong vở kịch kinh điển này không?
Tôi bị áp lực kinh khủng, có lúc tưởng phát điên lên vì có quá ít thời gian để tập. Vì lần đầu tiên tôi diễn một vai hoàn toàn khác, phải đúng và đủ từng lời, không được bịa lời thoại, không được thêm bớt từng dấu chấm, dấu phẩy, phải tìm ra cách diễn của mình, thật sâu chứ không phải những xôm trò, tếu táo. Nó khác hoàn toàn với tôi trước đây. Nhưng anh Chí Trung dứt khoát giao vai này cho tôi, anh bảo vai này để dành cho em đấy.
Hôm sơ duyệt, tôi lo đến phát khóc, chui vào phòng kín để học lời. Tôi lo lắng mất ăn mất ngủ, thế rồi đến lúc diễn, tôi đã không quên một lời nào. Tôi bị đẩy ra biển và cứ thế là bơi. Tôi quan niệm, đã lên sân khấu là không cho phép mình sai sót và sai lầm, bởi khán giả chỉ nhìn thấy mình trên sân khấu thôi. Nếu tôi không bị áp lực và tôi không phải là tôi thì đã không lo lắng đến thế. Nhưng lương tâm và danh dự làm nghề không cho phép tôi ẩu. Ơn trời, mọi việc đều ổn.
Quen với diễn hài, lần đầu lên sân khấu chính kịch có quá khó khăn với chị?
Tôi thích vai đó mà. Đọc kịch bản, nhiều người cho rằng vai này làm gì có đất diễn, nhưng với tôi, không có gì mà làm nên có gì mới đáng nói. Tôi vẫn thường làm những vai như thế, không có bột mà vẫn phải cố gột nên hồ. May mắn vì ngày xưa, tôi rất mê những bộ phim về các gia đình quý tộc, công nương.
Vân Dung và con trai.
Tôi xem từ lúc 4-5 tuổi, từ cách hành xử, ánh mắt, cử chỉ khó chịu của giới quý tộc, cách nhấn nhá, chảnh chọe, điệu đàng của các bà ngày xưa. Nó ngấm vào tôi từ bé. Đôi khi vốn sống từ mấy chục năm rồi, giờ mới đưa ra để dùng đấy. Mọi người hay hỏi tôi, tại sao từ vai bà già, trẻ con đến osin đều diễn được thế.
Tôi chỉ nghĩ, hãy học hỏi những gì xung quanh mình, đấy là vốn sống, vốn diễn của mình. Tôi quen với những vai hài đời thường, đơn giản, chứ làm chính kịch, lại còn kịch kinh điển thì khó gấp trăm lần.
Vân Dung diễn chính kịch hay thế, sao cứ mải mê với hài? Chị có chạnh lòng khi các bạn diễn của chị đều được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND, trong khi chị vẫn chưa có danh hiệu?
Tôi đam mê hài. Với tôi, được đứng trên sân khấu, nhận được những tràng vỗ tay của khán giả, được sự yêu quý của khán giả là đủ. Tôi sống đơn giản lắm. Các bạn diễn của tôi mong chờ điều đó lắm, tôi mừng và hạnh phúc vì họ được ghi nhận.
Một vai diễn quen thuộc của Vân Dung.
Thế là đội hài của tôi có đủ cả NSƯT, NSND rồi nhé, và thêm cả nghệ sĩ bình thường nữa là tôi. Một gia đình phải có đầy đủ ông, bà, bố, mẹ, con cái chứ, thế mới hạnh phúc. Danh hiệu NSƯT, NSND lúc nào cũng cao cả và linh thiêng. Nhưng với tôi, tình yêu của khán giả dành cho tôi là điều quan trọng nhất.
Làm sân khấu ai cũng mơ một vai chính kịch, còn chị thì không, sao chị có vẻ ngược đời thế?
(Cười) Tôi vẫn ngược thế mà. Bởi tôi sinh ra để cho hài kịch, tôi sống chết với hài. Tôi thích thì tôi đam mê và có đam mê thì tôi mới làm tốt được. Tôi biết mình đang ở đâu mà. Ngẫm lại, tôi thấy mình tự quyết định cái gì hình như cũng đúng, từ cuộc sống, gia đình đến cả cách sống và diễn của mình. Cứ nghe người nọ, người kia, chưa chắc đã thành mình bây giờ. Giờ tôi vẫn thấy mình đang sống đúng. Ngày xưa, thời đi học, lúc nào tôi cũng tiểu thư, đỏng đảnh. Từ khi ra đời, biết kiếm tiền, tôi thành một người khác hẳn, tháo vát, nhanh nhẹn và đầy lo toan.
Điều gì làm chị thay đổi thế?
Cuộc mưu sinh, kiếm tiền, gia đình. Tôi phải tự gánh vác, quyết định mọi điều trong cuộc sống, đôi khi tôi nghĩ nó chẳng liên quan đến mình ngày xưa. Nhà tôi có hai chị em gái nên tôi như đàn ông trong gia đình lớn của mình, cái gì cũng phải lo lắng gánh vác. Tôi ít khi bị ảnh hưởng bởi sự bay bổng của nghệ thuật lắm, sống giản dị, bình thường thế thôi, chả liên quan. Lúc làm nghệ thuật, mọi người sẽ thấy tôi hoàn toàn khác.
Tôi thích hài, vì hài mang lại cho tôi nhiều thứ, cho tôi tình yêu thương của khán giả, cho tôi tiền bạc, danh tiếng, được thăng hoa và xả stress. Tại sao mình lại không yêu. Một ngày không đi làm là tôi thấy buồn lắm.
Những ngày cuối năm này chắc chị cũng chạy show nhiều? Có người nói rằng, các diễn viên nhà hát bây giờ lo kiếm tiền nhiều hơn làm nghề?
Tôi quay như chong chóng vào những ngày cuối năm. Đi làm vui mà, có khán giả, gặp gỡ mọi người. Nếu chỉ sống với sân khấu, trong thời điểm ảm đạm này thì không đủ tiền cho con đi học. Đó là một thực tế.
Có những ngày tôi làm việc quần quật. Sáng đi quay, chiều vào Vinh diễn, đêm từ Vinh ra 5 rưỡi sáng, 9h đi diễn, rồi lên Phú Thọ diễn, đêm về Hà Nội tập Táo quân đến sáng. Tôi say xe, ốm gần chết, nhưng lên sân khấu tôi vẫn diễn như lên đồng, diễn xong lại ốm như thường. Nhiều người còn bảo tôi diễn ốm cũng giỏi.
Chị có nghĩ mình may mắn mới có cuộc sống đủ đầy hôm nay, vì nhiều nghệ sĩ cả đời lao động vẫn sống trong nghèo khó, chật vật?
Tôi không hề may mắn, đó là nỗ lực của tôi chứ tôi không hề may mắn. Nếu may mắn, tôi đã không vất vả thế này, không phải đánh đổi quá nhiều thứ để có được ngày hôm nay. Lúc mọi người được ôm con, ôm chồng, có gia đình hạnh phúc đề huề, thì tôi chồng một nơi, vợ một nơi. Lúc mọi người được ăn cơm nhà sung sướng thì chúng tôi lang thang, vạ vật, cơm đường, cháo chợ, không được nhìn thấy con lớn lên từng ngày vì phải đi diễn triền miên, không được nghe con bi bô tập nói.
Cuộc đời một người mẹ không được chứng kiến điều đó, không được nghe con nói câu “mẹ” đầu đời thì có đau khổ không. Cuộc đời tôi đã phải trả giá như thế đó nên đừng bao giờ nói rằng tôi may mắn. Đó là nỗ lực của tôi, và những gì tôi phải trả giá, hy sinh.
Sao chị không theo chồng vào Nam đoàn tụ gia đình mà cứ một mình bươn bả thế?
Tôi hay nhận show trong đó để vào với chồng, tháng vài lần. Tôi không có ý định Nam tiến, vì vào đó tôi phải làm lại từ đầu, mà mình quá lớn tuổi rồi. Ngoài này có bố mẹ, còn nhiều thứ ràng buộc, vào đó phải làm lại tất cả, tôi ngại thay đổi. Cuộc sống của mình ở ngoài này mà.
Bận rộn thế mà Vân Dung vẫn đảm đang nhà cửa, lạ nhỉ? Chị thành người phụ nữ của gia đình từ bao giờ thế?
Nhiều người nghĩ tôi không biết làm gì, vì lúc nào cũng thấy tôi ăn mặc điệu đàng, đủng đỉnh. Mọi người nghĩ tôi không hề biết làm việc nhà. Nhưng quan trọng là thu xếp thời gian, về nhà, tôi làm việc như một osin, mọi thứ phải ngăn nắp, sạch sẽ, đâu vào đó.
Kể cả 4, 5 giờ sáng về nhà tôi vẫn giặt giũ, là lượt quần áo rồi mới đi ngủ, tôi quen với việc đó rồi. Số tôi vất vả, cái gì cũng đến tay, từ trang trí nhà cửa, đến lo toan bếp núc. Tôi thường chỉ nhận show đến 27 Tết, còn lại là dành thời gian cho gia đình. Chuẩn bị cành đào, bánh chưng Tết. Tôi vẫn thích không khí Tết ngày xưa.
Tôi có cảm giác chị như một phụ nữ đơn thân khi một mình gánh vác mọi thứ? Nếu ước một điều gì đó trong năm mới sắp đến, chị sẽ ước gì?
Vợ chồng xa nhau, phải chấp nhận điều đó thôi. Thiên hạ có xì xèo, tôi là phụ nữ đơn thân, ly hôn rồi cũng kệ thôi. Tôi không có thói quen mang cuộc sống của mình lên báo. Ở tuổi này, tôi chỉ mong cuộc sống được bình yên. Và tôi đang có được điều đó, một gia đình bình yên.
Con trai tôi cũng lớn và tự biết lo cho mình rồi. Tôi không gây áp lực với con phải chạy đua này nọ, chỉ cần con có hiếu và tìm được niềm đam mê trong cuộc sống. Giống như tôi ngày xưa, mơ mộng từ nhỏ, tôi nhận ra mình đam mê nghệ thuật. Nhưng cái gì mình đam mê thì phải giỏi, phải đến cùng, khó lắm cũng phải làm, phải dành tất cả những gì tinh hoa nhất cho nó, như thế mới thành công. Và từ thành công, mình sẽ có tất cả, tiền bạc, hạnh phúc, danh vọng.
Tôi vẫn dạy con, đam mê gì phải đến tận cùng. Lúc nào tôi cũng hỏi con thích cái gì. Tôi sợ nhất con không có đam mê, không thích cái gì. Sống nhờ nhờ, không bao giờ thành công trong cuộc sống. Không thích cái gì thì không thể tìm ra cho mình một con đường. Từ bé tôi đã thế, rành mạch và quyết liệt lắm. Tôi sợ nhất khi con người lãnh cảm với mọi thứ, không ước mơ gì, không thích gì. Lúc nào cũng phải cảm xúc sống, hừng hực sống trong sự bình yên. Có cảm xúc mới có lửa sáng tạo được.
Lại nói câu chuyện Táo quân, những ngày giá lạnh này mà đêm nào các anh chị cũng tập đến 3-4 giờ sáng. Hy vọng năm nay sẽ có một kịch bản hay chứ?
Sẽ có nhiều cái mới mà anh em nghệ sĩ chúng tôi đang cố gắng để phục vụ khán giả. Chúng tôi toàn tập thâu đêm vì những ngày này, ai cũng bận rộn. Nhưng rất tiếc, những năm qua, chương trình này được báo chí "ưu ái" quá. Ngay sau đêm tổng duyệt, nội dung đã được đưa hết lên báo, khán giả sẽ không còn bất ngờ nữa, vì hài kịch không có yếu tố bất ngờ sẽ hết hấp dẫn. Đó là thiệt thòi của khán giả.
Táo quân ngày xưa hay có lẽ vì truyền thông ít để ý. Với lại đây chỉ là một chương trình giải trí, đừng gán cho nó những trách nhiệm quá nặng nề. Hãy để chúng tôi đưa tiếng cười đầy đủ và thỏa mãn cho khán giả.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.