TPO - Không đất sản xuất, nhiều hộ người dân tộc khmer ở ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, Cà Mau chọn nghề đào bắt chem chép để mưu sinh. Nghề này, dẫu cơ cực, vất vả vì phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng giúp họ có thêm chi phí trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Ở ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), có 11 hộ nghèo sinh sống thành xóm, chuyên nghề săn bắt các loài nhuyễn thể, đặc biệt là con chem chép. Người ta thường gọi nơi đây là “xóm chem chép”.
Vào con nước ròng, người dân dùng vỏ lãi composite chia thành nhiều hướng men theo ven sông rạch bắt chem chép.
Người dân nơi đây thường lội bùn bắt chem chép bằng tay không.
Chem chép biển là loài nhuyễn thể, sống nhiều ở vùng đất ngập nước Cà Mau. Loài này thường sinh sống ở những vùng đầm lầy nước mặn, nơi có thủy triều thường xuyên lên xuống.
Hang chem chép thường có lỗ nhỏ trên mặt đất dạng hình số 8.
Chem chép thường làm hang và trú ẩn dưới lớp đất bùn từ 20-30cm.
Chị Sơn Thị Lưới (35 tuổi) ngụ ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi cho biết: “Hằng ngày, tùy theo con nước ròng, tôi cùng con gái lớn chạy vỏ máy ven các sông, rạch bắt chem chép. Mỗi ngày, hai mẹ con có khi kiếm được 70.000 - 80.000 đồng, có khi kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, nuôi 8 miệng ăn”.
Chị Lưới cùng bà con trong “xóm chem chép” mong muốn giá cả sản vật họ cực khổ kiếm ra được ổn định. Hiện nay giá chem chép chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.
Ông Kim Văn Dân - Trưởng ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi - cho biết: “Xóm chem chép” có 14 hộ nhưng có đến 11 hộ nghèo sinh sống bằng nghề bắt chem chép. Người dân ở đây đa phần đều không biết chữ, không đất sản xuất.
“Do nhà nghèo, cha mẹ không có điều kiện cho con đi học nên tụi nhỏ chỉ học được tới lớp 4, 5 rồi nghỉ. Xóm này duy nhất có 1 cháu học được tới lớp 9”, vị trưởng ấp này chia sẻ.