Nghệ nhân Trần Độ: Ngược dòng tìm gốm cổ

Tranh của Phong Nhi
Tranh của Phong Nhi
TP - Nghề làm gốm cần nhiều công đoạn, nhưng kết hợp những yếu tố đó một cách nhuần nhuyễn để phục chế những dòng gốm cổ giá trị thì ít người làm được như nghệ nhân Trần Độ. Ông hiện là nghệ nhân nhân dân duy nhất của làng gốm Bát Tràng, vừa được vinh danh là một trong những công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội năm 2016.

Phục hồi hình khối, màu men cổ

Đến làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), giữa cảnh san sát các hàng quán trưng bày la liệt các mặt hàng gốm sứ, nhưng khi hỏi nhà nghệ nhân Trần Độ thì mọi người đều biết và nhiệt tình chỉ dẫn. Dù đã hẹn từ trước, nhưng khi tôi đến nơi ông vẫn chưa về.Trong lúc chờ, tôi được người nhà nghệ nhân đưa đi xem những sản phẩm gốm của ông trong phòng giới thiệu sản phẩm. Đó là những ly hương, chân đèn, bình, lọ, chum, choé được thể hiện qua các lớp men rạn, men ngọc, men chẩy… với những gam màu khác nhau mang hồn cốt gốm cổ. Những sản phẩm này được nghệ nhân Trần Độ nghiên cứu, phục chế từ những đồ gốm thời Lý- Trần- Lê với những đường nét, hoa văn trông giản dị mà thanh thoát.

“Nghề gốm học bằng tay, bằng mắt và bằng cả cái tâm”. 

Nghệ nhân Trần Độ

Cỡ một giờ sau gia chủ mới về. Sau cái bắt tay, ông vội mời tôi đi vòng ra phía sau nhà nói chuyện vì còn dở việc tại đó. Hoá ra đây là lối tắt để tới một ngôi nhà khác được xây dựng gần xong, nằm trong khuôn viên rộng vài trăm mét vuông. Trần Độ cho biết, đây là nơi ông dành để trưng bày các sản phẩm gốm của mình, nay đang gấp rút hoàn thành nên mọi việc khá bận rộn. Rồi vừa chỉ dẫn thợ làm việc, ông cho biết: “Đây là mơ ước một đời của tôi, bởi sau nửa thế kỷ làm nghề thì nay đến lúc tôi muốn dành một chút gì đó cho mình”. Chỉ ra ngoài sân, ông cho biết: “Không chỉ trong phòng trưng bày, mà cả không gian bên ngoài cũng được bày những sản phẩm gốm. Đơn cử trên bức tường ngoài sân sẽ là một bộ sưu tập bình vôi gồm 100 chiếc, những sản phẩm mà tôi thích từ nhỏ và để công tìm tòi, chế tác trong nhiều năm”.

Nghệ nhân Trần Độ cho biết, mảnh đất xây dựng làm nơi trưng bày đồ gốm sứ này là nơi mà cách đây 30 năm vợ chồng ông đã ra ở riêng và dựng lò làm gốm. Ký ức ùa về, người nghệ nhân nay đã ngót tuổi sáu mươi này cho biết, khi mới lên mười ông đã được bố hướng dẫn các công đoạn làm gốm như tạo hình, in sửa, làm men, chồng lò, đun lò ở nhiệt độ chín của các sản phẩm.

Sau đó, ông được bác ruột, một thợ giỏi của làng truyền dạy cho các kinh nghiệm pha chế nguyên liệu gốm sứ truyền thống để tạo ra những sản phẩm gốm đẹp của Bát Tràng. Thấy Trần Độ suốt ngày hí hoáy nặn đồ, nhiều người trong làng bảo cậu bé này chịu khó và thích tìm tòi nghiên cứu. Sau này, khi là công nhân của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, ngoài việc làm ra những bát, đĩa, lọ, bình trong thời bao cấp, Trần Độ vẫn dành thời gian để quan sát, tìm hiểu những đồ gốm sứ cổ.

Tại Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng, rồi sau này chuyển sang làm việc tại Hợp tác xã sứ Ánh Hồng ở địa phương, không ít lần Trần Độ đề xuất làm những sản phẩm khác ngoài bát, đĩa… nhưng không được chấp thuận. Năm 1987, sau khi lập gia đình, Trần Độ xin thôi việc để lập lò làm gốm tại nhà. Ông mầy mò làm gốm cổ, nhưng nhiều lần thất bại.

Thời điểm này, nhiều lò gốm tư nhân ở Bát Tràng cũng xuất hiện, mọi người đua nhau làm gốm xuất khẩu và có được đầu ra khá ổn định. Riêng Trần Độ vẫn “bơi ngược dòng”, kiên trì tìm tòi, phục chế những hình khối, màu men cổ. Nhưng nhiều sản phẩm ông làm ra không ai mua khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Giữa lúc tưởng “đứt gánh” thì một sản phẩm của Trần Độ được một người thích chơi đồ cổ mua với giá 4 chỉ vàng.

Với số tiền lớn như vậy vào thời điểm đó, theo lẽ thường người bán được hàng sẽ tiếp tục làm những sản phẩm tương tự để kiếm lời, nhưng Trần Độ lại chọn cách khác. Khi đã có “lương khô” trong nhà, ông tiếp tục mầy mò làm gốm cổ, đến lúc cạn tiền mới làm sản phẩm ăn khách để bán, sau đó lại lao vào nghiên cứu, thử nghiệm…

Nghệ nhân Trần Độ: Ngược dòng tìm gốm cổ ảnh 1

Nghệ nhân Trần Độ bên những sản phẩm gốm của mình. Ảnh: Kiến Nghĩa

Nghệ nhân Trần Độ cho biết: “Tôi có người anh trong họ làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nên thường đến đây để xem xét những sản phẩm cổ của thời Lý-Trần-Lê. Sau này, những đồ gốm làm ra tôi thường mang tới hỏi ý kiến những người làm chuyên môn như màu men, hoạ tiết, hoa văn… để điều chỉnh và rút kinh nghiệm”.

Dần dần, sản phẩm gốm cổ của Trần Độ ngày một tinh xảo, hội tụ đủ các yếu tố như nhất dáng, nhì men, tam tích, tứ họa. Ông lý giải: “Một sản phẩm đầu tiên phải dựng được dáng, sau đó mới tính chuyện phủ men bên ngoài cho phù hợp. Nhưng sản phẩm đó cũng cần gắn với một tích chuyện và những họa tiết minh họa thì mới có giá trị lâu bền”.

Làm quà tặng, cung tiến

Trong các sản phẩm của nghệ nhân Trần Độ, có thể thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như gốm men ngọc thế kỷ XI, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, gốm men nhiều màu thời Hậu Lê, thời Nguyễn…

Một mặt, Trần Độ chế tạo những mẫu gốm có dáng và trang trí kế thừa truyền thống như các loại ấm rượu, chóe, thạp, chân đèn, lư hương…, nhưng một số sản phẩm khác lại được ông cách tân với những màu men lạ. Như dòng men ngọc, nghệ nhân có tới 12 công thức pha chế khác nhau để tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Còn men nâu trầm bóng do Trần Độ sáng chế là thứ chưa từng có ở Bát Tràng. Rồi các màu khác như men lam, men rạn, men đá, men chảy, men đen cũng cho nhiều sản phẩm gốm cổ độc đáo khác nhau.

Chia sẻ về những màu men mình có, nghệ nhân cho biết: “Men không chỉ được tạo ra từ sự miệt mài, mà còn là sự phát tiết ở những khoảnh khắc nào đó. Với tôi, màu men được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn lúc tỉnh, lúc mơ như một thứ sắc màu của ảo ảnh. Đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà cũng lại là thoát tục, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như cõi hư vô”.

Năm 1999, Trần Độ trình làng những sản phẩm gốm của mình khi tham gia trưng bày trong một cuộc triển lãm tại đền Vua Lê. Những sản phẩm của ông được các nhà nghiên cứu, văn hóa đánh giá cao khi có được tính sáng tạo mà vẫn giữ được dáng hồn gốm cổ. Năm 2004, niềm vui lớn đến với Trần Độ khi ông được đặt hàng làm bình rượu giả cổ triều Lê-Mạc để làm quà tặng cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 được tổ chức tại Hà Nội.

“Việc này vừa là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức. Bởi để chế tạo ra sản phẩm, tôi phải tìm hiểu rất kỹ bản gốc, sau đó lấy mẫu, chế mộc, làm phôi, vào men và chế ra sản phẩm. Sau khi trình duyệt bản thử, nếu được mới bắt tay làm đại trà” - nghệ nhân Trần Độ chia sẻ.

Sau thành công này, năm 2005, Trần Độ được Văn phòng Chính phủ đặt một lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật. Những sản phẩm này được Thủ tướng Phan Văn Khải mang sang Mỹ và Canada làm quà tặng cho những chính khách của các nước sở tại, trong đó chiếc Đỉnh gốm triều Nguyễn được tặng cho Tổng thống Mỹ, đôi bình thời Trần được tặng cho vợ chồng Thủ tướng Canada…

Nghệ nhân Trần Độ: Ngược dòng tìm gốm cổ ảnh 2

Nghệ nhân Trần Độ (thứ 2 bên trái) trong quá trình chế tác linh vật thần Kim Quy cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Khả năng “thổi hồn” gốm cổ của nghệ nhân Trần Độ còn được thể hiện ở việc ông phục dựng, hiến tặng một số đồ vật cho những di tích lịch sử, văn hóa của nước nhà. Năm 1999, trong lần đến đền Ông Gióng, Trần Độ được biết nơi đây đã bị mất cắp chiếc chum cổ có niên đại khoảng 700 năm. Ông bèn hỏi các cụ cao niên của địa phương từng biết về chiếc chum cổ đó để xác định hình dáng, hoa văn của chum, sau đó tìm hiểu thêm để phục dựng lại cổ vật đó và cung tiến cho đền. Từ đó đến nay, nhiều hiện vật cổ khác đã được nghệ nhân Trần Độ phục dựng lại để cung tiến cho đền Vua Lê, đền Đô, đền Hùng, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Cố đô Huế…

Khi được hỏi: “Bí quyết nghề làm gốm của ông là gì?” - nghệ nhân Trần Độ chia sẻ: “Nghề gốm học bằng tay, bằng mắt và bằng cả cái tâm”. Bí quyết này đã đi suốt cùng ông trong nhiều năm làm gốm. Đến nay, Trần Độ có hơn 200 học trò và họ đều được thầy truyền dạy bằng bí quyết trên. Không ít học trò của ông đã trở thành nghệ nhân, thợ giỏi. Còn với Trần Độ, tháng 8 vừa qua ông được Nhà nước công nhận là nghệ nhân nhân dân, danh hiệu mà trước nay tại làng Bát Tràng chưa ai đạt được. Còn vào dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10 vừa qua, ông lại được vinh danh là một trong những công dân ưu tú của Hà Nội năm 2016.

Nhớ về Thăng Long qua hình tượng thần Kim Quy

Trò chuyện với nghệ nhân Trần Độ, được biết ông thuộc thế hệ thứ 18 dòng tộc họ Trần làm gốm tại đất Bát Tràng, Hà Nội. Thế nên, trước dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội diễn ra vào năm 2010, Trần Độ đã có ý tưởng làm linh vật thần Kim Quy dựa trên tiêu bản cụ Rùa đang được trưng bày tại đền Ngọc Sơn để đóng góp cho Đại lễ. Khi ý tưởng được thông qua, nghệ nhân Trần Độ đã dành thời gian 6 tháng để làm linh vật thần Kim Quy bằng gốm nặng gần 4 tấn, được nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Khi hoàn thành, linh vật thần Kim Quy được rước từ Bát Tràng về đền Ngọc Sơn để trưng bày, góp phần tạo thêm dấu ấn lịch sử, văn hoá của Thủ đô nhân dịp diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Nghệ nhân Trần Độ cho biết, sau Đại lễ, linh vật thần Kim Quy được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Một năm sau, ông bày tỏ mong muốn được làm một linh vật cụ Rùa khác bằng gốm để đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi mà hình tượng cụ Rùa cũng rất thân quen. Mong muốn này được chấp thuận, nghệ nhân Trần Độ lại dồn sức làm một cụ Rùa mang phiên bản khác để đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.