Lén lút chế biến
Sản xuất dăm gỗ và bột giấy là loại hình đầu tư có điều kiện. Để đảm bảo quy hoạch cho các đơn vị đã đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã tạm ngừng cấp phép mới hoạt động này từ năm 2010. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc nở rộ các cơ sở chế biến dăm gỗ hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã khiến dư luận bức xúc. Để tránh cơ quan chức năng, nhiều xưởng chế biến dăm gỗ “trốn” trong các mỏ đá, có xưởng thì nằm dưới vỏ bọc xưởng sản xuất than nguyên liệu.
Tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, người dân ở đây cho biết, xưởng sản xuất gỗ dăm của Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Thắng Lợi vẫn hoạt động cả ngày đêm, công suất cả trăm tấn mỗi ngày. Một số cơ sở chế biến gỗ dăm khác là Công ty CP đầu tư và sản xuất Thành Phát (Cty Thành Phát) có trụ sở nhà máy tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương.
Mặc dù cở sở này được tỉnh Nghệ An cho chủ trương đầu tư sản xuất gỗ thanh và than nhiên liệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã thu mua nguyên liệu, tiến hành hoạt động băm dăm trái phép để xuất bán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện xưởng sản xuất của Cty Thành Phát xây dựng trên đất chưa được cấp phép.
Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ngừng cấp phép các dự án nhà máy chế biến gỗ dăm và sản xuất gỗ dăm. Tuy nhiên, không hiểu sao, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An vẫn cấp phép đăng ký ngành nghề kinh doanh cho công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Thắng Lợi, tại mục kinh doanh số 27, công ty này được phép “tận dụng gỗ tạp vườn, cành, ngọn, bìa, bắp, keo để xay dăm”.
Lợi dụng vào điều này, Công ty Thắng Lợi đã dựng hẳn một dây chuyền băm dăm với công suất hàng trăm tấn mỗi ngày.
Xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”
Về việc sản xuất gỗ dăm “chui” của Cty cổ phần đầu tư và sản xuất Thành Phát, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thừa nhận đã có nhiều lần ra biển bản phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này.
Xưởng gỗ dăm tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương,tỉnh Nghệ An ngang nhiên hoạt động.
Khi được cung cấp thông tin, tối ngày 20/1/2016 vẫn thấy Cty Thành Phát sản xuất gỗ dăm, xe chở keo vẫn ra vào thì ông Hiền nói rằng: “Thỉnh thoảng khi huyện kiểm tra vẫn thấy doanh nghiệp băm gỗ nhưng không nhiều. Do doanh nghiệp chưa có giấy phép đầy đủ, vẫn đang xin cấp phép sử dụng đất. Đang trong quá trình giao thời nên họ cũng “tranh thủ”, ngày họ không sản xuất nhưng đêm họ mới làm”. Cũng theo ông Hiền thì huyện Thanh Chương đã có 2 lần đi kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính “yêu cầu không sản xuất gỗ dăm và không hoạt động khi chưa đủ giấy tờ”, nhưng doanh nghiệp không ký vào biên bản.
Dù phát hiện sai phạm của Cty thành Phát đã lâu, đã nhiều lần ra biên bản vi phạm hành chính, nhưng thay vì phải xử lý nghiêm, kiên quyết, thì UBND huyện Thanh Chương lại ra văn bản đề nghị Sở TNMT, UBND tỉnh Nghệ An nhanh chóng cấp giấy phép sử dụng đất cho doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất.
Được biết, ngày 10/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn về việc “hoạt động sản xuất gỗ dăm không phép trên địa bàn tỉnh”. Yêu câu các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/1/2016. Tuy nhiên, ngày 21/1/2016, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBNBD huyện cho biết, huyện chưa nhận được sự phối hợp nào của Sở NN&PTNT.
Nói về vấn đề này, ông Trung Thành Công, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, riêng xưởng sản xuất Thành Phát trên địa bàn huyện Thanh Chương sai từ khi xây dựng xưởng. “Đất chưa được cấp phép mà đã làm về bản chất là đã sai phạm, là sai phép rồi. Xây dựng không phép, sử dụng đất trái phép là đã vi phạm. Đáng lẽ như vậy huyện phải xử lý luôn. Xử lý xong vi phạm mới xem xét các yếu tố khác”, ông Công nhấn mạnh.
Còn về việc xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép, ông Trung Thành Công cho biết, sau khi đoàn thanh tra do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra sẽ có hình thức xử lý kịp thời.
Nhà máy 350 triệu USD “đói” nguyên liệu
Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 3 nhà máy được cấp phép và nằm trong quy hoạch chế biến gỗ, rừng trồng làm dăm gỗ và bột giấy xuất khẩu. Song, việc các xưởng sản xuất dăm gỗ trái phép đang khiến các nhà máy này đang rơi vào khó khăn. Riêng nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD (tổng công suất 400.000 m3/năm) và nhà máy chế biến gỗ than với tổng mức đầu tư 150 triệu USD (tổng công suất 8.800 m3/năm) vừa đưa vào hoạt động thời gian qua, hiện nay cũng trong tình trạng “đói” nguyên liệu.