Ngày thơ quốc tế hóa

Sự có mặt của các nhà thơ nước ngoài góp phần làm nên diện mạo của Ngày thơ năm nay. Ảnh: Hoàng Long.
Sự có mặt của các nhà thơ nước ngoài góp phần làm nên diện mạo của Ngày thơ năm nay. Ảnh: Hoàng Long.
TP - Rằm tháng giêng, chân dung các nhà thơ quốc tế được trưng bày tại Ngày thơ 2015; trong 50 câu thơ tuyển chọn để thả lên trời, một nửa là thơ nước ngoài.

Sự có mặt của hơn 40 nhà thơ các nước tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến cho Ngày thơ năm nay có vẻ xôm hơn. Ít nhất là khán giả đông hơn mọi năm, dù mưa hơi nặng hạt; nhiều hàng ghế bỏ trống không phải vì thiếu khán giả mà vì bạt không đủ che.

Chân dung các nhà thơ quốc tế được trưng bày xung quanh hồ Văn. 50 câu thơ tuyển chọn để thả lên trời theo bóng bay, một nửa là thơ của Việt Nam, phần còn lại dành cho thế giới. Trong đó có những câu như: “Không cần nhớ tóc tôi có bạc không/Nỗi khổ tâm của tôi là trái tim không chịu bạc” của Yannis Ritsos; “Tôi đã uống mật ngọt của đắng vô hạn/Nơi chiếc ly muôn thuở của bông sen”- R. Tagore. Dưới đất, thơ được bày biện khắp nơi. Đơn giản nhất là được in lên giấy dán lên bàn hoặc lên đĩa nhựa. Đĩa nhựa đây là đĩa đựng đồ ăn bằng nhựa. Đĩa này lại được bôi xanh đỏ buộc lên cây tượng trưng cho hoa/quả gì đó. Trong mưa phùn, một thiếu phụ đội mũ rộng vành lụp xụp cần mẫn chép lại những câu trên cây thơ vào một mảnh giấy nhỏ. Lại nhớ đến mấy câu Karelsky (nhà thơ Tiệp) đọc trong Ngày thơ Việt Nam: “Hễ khi nào em không còn yêu anh/Các bài thơ sẽ chết/Và các nhà thơ sẽ khốn đốn bơ vơ”.

Tại sân thơ ngoài dành cho các CLB Thơ, tác phẩm của các nhà thơ không chuyên dán đầy lên vách lều. Các thành viên nữ của CLB Thơ quận Thanh Xuân (Hà Nội) in thơ mình trang trọng lên các tấm thiệp nhỏ treo lên cành mai. Thấy quán thơ của Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân, tôi sà vào, chắc mẩm sẽ được người khuyết tật đọc thơ cho nghe nhưng không. Mấy bạn khuyết tật chỉ vào nhà thơ duy nhất của quán là một bác thương binh. Tác phẩm thơ duy nhất của quán là truyện thơ về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh được bày bán bên cạnh các sản phẩm lẵng hoa giả của người khuyết tật.

Ở sân thơ trăm miền (nơi tọa lạc của sân thơ trẻ những năm trước), một số khán giả tỏ vẻ thông cảm, cho rằng các nhà thơ cũng biết “kiếm thêm”, khi thấy tủ nước mắm Cát Hải đặt trang trọng trong lều thơ của Hội VHNT Hải Phòng. Thực ra mỗi tỉnh bên cạnh thơ đều bày các đặc sản quê mình. Chẳng hạn lều Nam Định treo chuối ngự, lều Thái Nguyên không thể thiếu trà, lều thơ Nga của Trung tâm Đông Tây có ngay rượu Vodka... Lều ĐH Sư phạm T.Ư II bên cạnh các quyển luận văn về thơ là bản đồ Việt Nam cách điệu hình rồng làm từ các hạt ngũ cốc và đậu.

Năm nay kết cấu nội dung của hai sân thơ khá giống nhau, đều là sự xen kẽ giữa thơ ta và thơ bạn, vài tiết mục đọc thơ lại có một phần hát múa. Khác nhau ở chủ đề. Sân thơ trăm miền tập trung vào đề tài tổ quốc, biển đảo. Các tiết mục văn nghệ nếu không về đề tài này thì cũng là xẩm, hát văn, hát then... đậm bản sắc Việt Nam. Các sinh viên trường ĐH Chính trị làm nên một tiết mục múa hát khá xúc động từ lời thơ mộc mạc của thầy hiệu trưởng viết về 22 liệt sĩ sinh viên của trường: “Súng đỏ nòng viết lên bài học cuối/Lời điếu văn thay quyết định ra trường/Chuyện của các anh muôn đời không cũ/Là giáo án vàng định nghĩa chữ vinh quang”.

Hội VHNT Hải Phòng trình diễn bài hát Cát Hoàng Sa phỏng thơ Hữu Thỉnh. Theo bài thơ, tác giả được bạn đến xông nhà tặng cát Hoàng Sa và nhà thơ đặt món quà lên bàn thờ.

Ngôn ngữ có lẽ là thách thức lớn nhất của ngày thơ năm nay. Một nhà thơ Mỹ được mời lên, nói một tràng dài dĩ nhiên bằng tiếng Anh sau đó đọc một bài thơ về vịnh Hạ Long. Khán giả ngồi dưới sốt ruột: “Thơ dịch đâu phải dễ, phải dịch trước”... Nhà thơ đứng một mình trên sân khấu đành nói: “Xin lỗi, tôi không định ở trên này lâu thế”. Mãi sau dẫn chương trình mới lên gọi dịch giả. Dịch giả từ tốn mang Ipad lên để MC đọc bản dịch tiếng Việt. Tuy nhiên cũng có nữ nhà thơ người Czech đọc thơ Hồ Xuân Hương sau đó đọc thơ mình bằng tiếng Việt, nhà thơ Mỹ cũng làm thơ bằng tiếng Trung Quốc... Vài nhà thơ Việt Nam cũng mạnh dạn đọc thơ mình bằng tiếng Anh.

Tinh thần hữu nghị, tình thương nhân loại toát lên từ nhiều bài thơ. Một nhà thơ da trắng đại diện cho Hồng Kông sáng tác một bài thơ nhân dịp ông được cứu sống nhờ truyền máu của người Trung Quốc: “Món quà cuộc sống bí danh dành cho một thằng đểu/Một con ma da trắng/ Bây giờ cách tôi nhìn cuộc sống đã khác xưa/Con mắt mở to ít đi ghen tức.../Tôi nên thờ tổ tiên của tôi hay của người đã hiến cho tôi máu/Có lẽ tôi sẽ tạ ơn đất trời người mẹ vĩnh cửu và người cha chung của tôi.” Nguyên văn “người cha chung của tôi” là “người cha vũ trụ” (The Universal Father).

Một nhà thơ nước ngoài tỏ ra quan tâm tới tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Á Đông. Trong bài thơ ca ngợi Việt Nam mà ông cho hay vừa hoàn thành sáng sớm ngày diễn ra Ngày thơ, ông miêu tả: “Những cây hương những chén nước những bông hoa và thực phẩm ngập tràn trên bàn thờ tổ tiên” Và kết thúc bài là những dòng đầy nhiệt thành: “Hạt mầm bật lên giữa trùng trùng thách thức và gian khó tột cùng/Việt Nam người là con đường/Hãy mang chúng tôi trở về”. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.