Thế giới chạy đua thử nghiệm vắc-xin COVID-19

Ngày 10/8, Nga sẽ cho phép sử dụng vắc-xin COVID dùng cho cộng đồng

Cả thế giới đang chờ đợi vắc-xin phòng COVID -19 được đưa vào cuộc sống
Cả thế giới đang chờ đợi vắc-xin phòng COVID -19 được đưa vào cuộc sống
TP - Công ty Dược phẩm Trung Quốc Sinopharm và bang Parana, Brazil đã thống nhất triển khai đợt thử nghiệm vắc-xin COVID-19 lớn thứ tư tại Brazil và sẽ xin phê duyệt theo quy định trong hai tuần tới, theo giới chức Brazil.

Trước đó, Brazil cũng đã công bố kế hoạch thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 của các hãng dược AstraZeneca, Sinovac Biotech, Pfizer với BioNTech tại nước này.

Ông Jorge Callado, người đứng đầu Viện Công nghệ Parana (Tecpar), nói sẽ sớm hoàn tất đề xuất và đệ trình lên cơ quan quản lý y tế liên bang Anvisa.

 Brazil, quốc gia với sự bùng phát COVID-19 trầm trọng thứ hai thế giới sau Mỹ, đã biến thành nơi thử nghiệm toàn cầu về các loại vắc-xin tiềm năng.

 Loại vắc-xin của Sinopharm đã được thử nghiệm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trên 15.000 tình nguyện viên.

Giới chức bang Parana cũng đang thảo luận về việc sản xuất loại vắc-xin do các nhà khoa học Nga sáng chế, chính phủ tiểu bang nói trong một tuyên bố và thêm rằng, Thống đốc Ratinho Júnior sẽ sớm gặp đại sứ Nga tại Brazil để bàn về việc này.

Phía Nga cũng đã liên lạc với Viện Butantan ở Sao Paolo để thảo luận về việc thử nghiệm vắc-xin của họ, giám đốc viện nói với các phóng viên, theo Reuters.

Trong một diễn biến khác, hôm đầu tuần, nghiên cứu vắc-xin COVID-19 lớn nhất thế giới đã được tiến hành và theo kế hoạch, sẽ có 30.000 tình nguyện viên thử nghiệm các liều vắc-xin do các nhà khoa học Mỹ sáng chế - một trong số ứng cử viên trong cuộc đua vắc-xin toàn cầu.

Vẫn chưa có gì đảm bảo rằng vắc-xin thử nghiệm, được phát triển bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) và tập đoàn dược phẩm Moderna Inc., sẽ thực sự phát huy tác dụng, theo AP.

Bằng chứng: Tình nguyện viên sẽ không biết liệu họ có được tiêm thuốc thật hay giả dược. Sau khi tiêm hai liều, các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt chẽ nhóm nào bị nhiễm trùng nhiều hơn khi họ trở lại nhịp sống hàng ngày, đặc biệt là ở những khu vực mà virus vẫn đang lây lan không được kiểm soát.

“Thật không may, Mỹ có rất nhiều ca nhiễm tại thời điểm này”, tiến sĩ Anthony Fauci của NIH gần đây nói với AP.

Tập đoàn Moderna nói việc tiêm vắc- xin đã được thực hiện ở Savannah, bang Georgia, và sẽ tiến hành thử nghiệm tại hơn 70 địa điểm nằm rải rác trên khắp nước Mỹ.

Tại Binghamton, New York, y tá Melissa Harting nói rằng cô tình nguyện thử vắc-xin.

"Tôi rất phấn khích", cô Harting nói trước khi được tiêm thuốc vào sáng 27/7.

Loại vắc-xin do Đại học Oxford của Anh sản xuất đã bắt đầu các thử nghiệm ở giai đoạn cuối quy mô nhỏ hơn ở Brazil và một số quốc gia khác vào đầu tháng này.

Nhưng Mỹ đòi hỏi tự xét nghiệm đối với bất kỳ loại vắc-xin nào có thể được sử dụng ở nước này và đã đặt ra một tiêu chuẩn cao: Mỗi tháng, mạng lưới phòng ngừa COVID-19 do chính phủ tài trợ sẽ triển khai một nghiên cứu mới về một loại vắc xin trên 30.000 tình nguyện viên mới.

Các nghiên cứu lớn không chỉ để kiểm tra xem các mũi tiêm có tác dụng hay không mà còn cần thiết để kiểm tra độ an toàn của từng loại vắc-xin.

Rút ngắn quy trình

Trong tháng 8, nghiên cứu đợt cuối của Mỹ về vắc -xin do Đại học Oxford sáng chế bắt đầu, tiếp theo là kế hoạch kiểm tra một ứng cử viên từ hãng Johnson & Johnson vào tháng 9 và Novavax vào tháng 10 - nếu mọi việc diễn ra theo đúng lịch trình. Hãng dược Pfizer Inc. cũng đang có kế hoạch thử nghiệm thuốc của hãng trên 30.000 người tình nguyện.

Các quan chức Nga nói họ đang chuẩn bị để đến ngày 10/8 hoặc sớm hơn sẽ cho phép sử dụng loại vắc-xin do Viện Gamaleya ở Mátxcơva điều chế. Vắc-xin sẽ được dùng cho cộng đồng, trước hết là đội ngũ nhân viên y tế.

Trong khi một số loại vắc-xin trên thế giới đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc-xin của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Nga dự kiến hoàn tất quá trình này vào ngày 3/8, sau đó tiến hành giai đoạn 3 song song với quá trình tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế. 

Trong khi đó, Anh vừa ký một thoả thuận mua 60 triệu liều vắc-xin COVID-19 của các hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline.

Thông thường phải mất nhiều năm để tạo ra một loại vắc-xin mới từ đầu, nhưng các nhà khoa học đang thiết lập các kỷ lục về tốc độ trong khoảng thời gian này, do nhận thức rằng tiêm chủng là hy vọng tốt nhất của thế giới trong việc chống lại đại dịch.

Coronavirus thậm chí còn không tồn tại trước tháng 12 năm ngoái và các nhà sản xuất vắc-xin đã bắt đầu hành động vào ngày 10/1 khi Trung Quốc chia sẻ chuỗi gien của virus corona mới. Chỉ hơn hai tháng sau đó, vào tháng 3, vắc-xin do NIH sản xuất đã được thử nghiệm trên người. 

MỚI - NÓNG