Trong bài phát biểu về chính sách quốc gia thường niên, ông Duterte nói: “Bốn ngày trước, tôi gửi lời khẩn cầu đến Chủ tịch Tập Cận Bình. Liệu chúng tôi có thể là những người đầu tiên nhận được…hoặc liệu chúng tôi có thể mua vắc-xin được không?”
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines tăng lên 82.040 tính đến ngày 27/7, với 1.945 trường hợp tử vong và chỉ 26.000 người hồi phục. Philippines là quốc gia có nhiều bệnh nhân COVID-19 thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Về vấn đề biển Đông, ông Duterte nhắc lại quan điểm rằng ông sẽ không đối đầu với Trung Quốc vì những yêu sách trên biển Đông. Ông nói rằng ngoại giao là cách thức tốt nhất vì nếu không sẽ phải đi đến chiến tranh, điều ông không thể kham nổi.
“Trung Quốc đang yêu sách (biển Tây Philippines) và chúng ta có yêu sách. Trung Quốc có vũ khí, chúng ta không có…Điều đó đơn giản như vậy. Họ sở hữu tài sản”, ông Duterte nói.
Ông không cập nhật thông tin về Thoả thuận các lực lượng viếng thăm với Mỹ sau khi hoãn việc huỷ bỏ văn bản này, nhưng ông loại trừ khả năng cho phép người Mỹ mở căn cứ ở Philippines một lần nữa, vì “nếu chiến tranh nổ ra sẽ có những kho vũ khí nguyên tử”, dẫn đến “sự diệt vong của chủng tộc Philippines”.
Trong thế kỷ 20, Mỹ duy trì 2 căn cứ lớn ở Philippines là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic. Lực lượng Mỹ rút khỏi nước này từ năm 1992.
Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal bày tỏ hoài nghi về đánh giá của ông Duterte đối với tình hình biển Đông. “Ông ấy rõ ràng không hiểu sở hữu nghĩa là gì”, ông Batongbacal, giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển tại ĐH Philippines, nói.
“Biển không phải đối tượng sở hữu pháp lý của bất kỳ ai, cũng như bất kỳ quyền nào vượt ra khỏi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển. Thực tế đơn giản là Trung Quốc không thể loại trừ tất cả mọi người khỏi quyền hoạt động hay sử dụng biển Đông, trong đó có Philippines thông qua các hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển, không quân và thường dân Philippines”, ông Batongbacal nói.