Không bức xúc sao được khi ngập úng trở thành nỗi ám ảnh, gây đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân trong suốt nhiều năm qua với mức độ ngày càng nghiêm trọng bởi TPHCM còn là một trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nói như vậy để thấy rằng trong điều kiện bầu sữa ngân sách có hạn, việc Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TPHCM vận dụng cơ chế đặc biệt và sẵn sàng bố trí gần 10.000 tỷ đồng từ chương trình “cho vay giá rẻ” chỉ với lãi suất 3%/năm để thực hiện siêu dự án chống ngập quan trọng này còn là tấm lòng, tình cảm sâu nặng, đồng thời là món quà ý nghĩa mà Trung ương, lãnh đạo Đảng, nhà nước dành cho nhân dân thành phố. Đáp lại tình cảm ấy, hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, công nhân đã không nghỉ Tết. Nhiều hộ dân sẵn sàng cho mượn mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm hoàn thành đưa công trình vào phục vụ đời sống dân sinh.
Nguồn vốn vẫn dồi dào. Vậy mà, dự án đã bị “bức tử” một cách oan ức khi sắp về đích bởi những lý do hết sức lãng xẹt cũng như cách điều hành khó hiểu từ chính lãnh đạo UBND TPHCM. Mọi rắc rối phát sinh kể từ lúc có sự tham gia của liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng. Trong quá trình ký xác nhận khối lượng thi công hoàn thành, liên danh tư vấn luôn kèm theo các khuyến cáo vào mẫu phụ lục không theo quy định gây trở ngại, dẫn đến việc ngân hàng ngưng giải ngân. Bị cắt vốn, nhà thầu buộc phải tạm ngưng thi công.
Liên danh tư vấn cho rằng nhà thầu không tuân thủ hợp đồng, còn nhà thầu thì bảo tư vấn cố tình làm khó, các ý kiến đưa ra không có cơ sở… còn lãnh đạo UBND TPHCM thì không dám “quyết” và cầu cứu Thủ tướng Chính phủ. Đến khi Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải trực tiếp giải quyết thì UBND TPHCM lại chỉ đạo “lòng vòng” khiến dự án bất động hơn nửa năm qua, dù hàng nghìn tấn sắt thép đang hoen gỉ từng ngày dưới dòng nước đục ngầu và thời hạn cuối cùng của chương trình cho vay giá rẻ đã cận kề.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong câu chuyện này vấn nạn ngập úng không chỉ trên thực địa mà còn tồn tại chính trong suy nghĩ và tư duy của những cán bộ có chức, có quyền. Đó là căn bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, với sự kỳ vọng của Trung ương bởi việc xác định đúng sai trong câu chuyện này không quá khó, chỉ cần UBND TPHCM chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hợp đồng vốn rất chặt chẽ và chấn chỉnh, thậm chí xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có), đồng thời nhanh chóng khởi động lại dự án nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ lãnh đạo UBND TPHCM có muốn làm hay không.