Ngành hàng không muốn vay thêm 30.000 tỷ đồng: Hãng bay tư nhân sắp được 'giải cứu'?

0:00 / 0:00
0:00
Theo VABA, ngành hàng không sẽ mất rất nhiều năm để phục hồi (Ảnh minh hoạ)
Theo VABA, ngành hàng không sẽ mất rất nhiều năm để phục hồi (Ảnh minh hoạ)
TP - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động, cố gắng giảm lãi suất cho vay, cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp hàng không. Còn về đề xuất của các hãng bay về gói hỗ trợ theo cơ chế tái cấp vốn lãi suất 0%, NHNN ủng hộ chủ trương này, nhưng đây là giải pháp vượt thẩm quyền, do đó đề nghị các Bộ, ngành báo cáo, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Cần chính sách tín dụng đặc thù

Tại buổi làm việc vừa diễn ra giữa NHNN và các doanh nghiệp, hiệp hội hàng không, Vietravel Airlines và các hãng bay kiến nghị được vay với lãi suất ưu đãi, kéo dài thời gian cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, được duy trì hạn mức tín dụng...

Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng cần có giải pháp đặc thù của Chính phủ dành cho ngành hàng không, đặc biệt là chính sách tín dụng. Cơ chế đó phải phù hợp với thực tế của các hãng hàng không hiện nay (không có tài sản bảo đảm, thời gian hồi phục kéo dài).

Về hỗ trợ với ngành hàng không, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm, với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng và doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Để ngành hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Nguyễn Khắc Hải, đại diện Bamboo Airway đề nghị, các giải pháp giảm lãi suất của ngành ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022; đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới. Còn đại diện VietJet Air kiến nghị các ngân hàng nới room, cho vay với lãi suất thấp, gia hạn thời gian trả nợ cho ngành hàng không. Đại diện Pacific Airlines đề nghị, ngành ngân hàng có chính sách cho vay lãi suất thấp, cho vay tái cấp vốn ít nhất là đến hết năm 2022 để các doanh nghiệp hàng không có đủ tiềm lực vượt qua khó khăn.

TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký (VABA) đề nghị ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn với lãi suất 0% như áp dụng với Vietnam Airlines, và cho phép hãng hàng không thuộc hiệp hội vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng, lãi suất 3-4%/năm và thời gian vay là 3-4 năm. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), tổng nhu cầu theo đề xuất của các doanh nghiệp hàng không là trên 30.000 tỷ đồng.

Khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng Vietnam Airlines, các TCTD (SeABank, MSB, SHB) đã thực hiện giải ngân cho Vietnam Airlines theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN theo Nghị quyết của Chính phủ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, đến nay, dư nợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không tại Vietcombank là 16.000 tỷ đồng. Về lãi suất, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đang cho các doanh nghiệp hàng không vay với lãi suất rất thấp. Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ là chủ yếu, chứ ngân hàng không có lãi.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV kiến nghị NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng cho TCTD để cho vay thêm với các doanh nghiệp trong ngành hàng không. Lãnh đạo NHNN đề nghị các TCTD chủ động giảm lãi cho các hãng hàng không, các ngân hàng chủ động quyết định cho các hãng vay tín chấp. Nhu cầu vay vốn của ngành hàng không là khá lớn để hồi phục, vì thế nhu cần tăng hạn mức tín dụng NHNN sẽ cân nhắc nới. Khi bay trở lại, các hãng hàng không có thể hồi phục nhanh, theo đó, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đề xuất, cộng với 24.000 tỷ đồng dư nợ hiện tại không phải là quá lớn.

MỚI - NÓNG
Điều động, bổ nhiệm nhân sự mới ở 3 tỉnh
Điều động, bổ nhiệm nhân sự mới ở 3 tỉnh
TPO - Ngày 30/10, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các quyết định về công tác cán bộ. Còn UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.