Đó là chia sẻ của diễn giả Nguyễn Chí Hiếu, Tiến sỹ ĐH Stanford (Mỹ), MBA ĐH Oxford (Anh) cùng hơn 400 phụ huynh và những người làm giáo dục về “nghề cha mẹ” thời 4.0 vừa qua tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, một phụ huynh chia sẻ: “Kỳ vọng của cha mẹ, căn bệnh thành tích trong giáo dục, thông tin nhiễu loạn thời buổi kinh tế thị trường… là vô vàn tác nhân khiến các bậc cha mẹ nhiều khi hoang mang, bế tắc trong việc giáo dục con. Không được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống như các nghề khác mà cha mẹ phải hành nghề cả đời với từng chút kiến thức manh mún cóp nhặt được, có nghề nào khó như “Nghề cha mẹ thời 4.0”.
Từ những câu chuyện, kí ức về nền giáo dục xứ mình, xứ người, bức tranh về câu chuyện đời thường giữa cha mẹ - con cái được phác họa một cách chân thực, gần gũi. TS. Nguyễn Chí Hiếu đã chỉ ra một thực trạng rằng, hầu hết các cuộc đối thoại trong gia đình thường bắt đầu từ những câu hỏi “Cái gì”, thay vì “Vì sao”, “Làm thế nào”. Phụ huynh có xu hướng bị lung lay bởi những ý kiến, quan điểm “nhà người ta” và áp lên những đứa trẻ.
Bức tranh tâm lý và chiến lược giáo dục cho từng độ tuổi đã được TS. Hiếu phác họa một cách vô cùng chân thực: “Cấp 1: Chớ ăn cướp tuổi thơ”, “Cấp 2 - Đừng làm ngơ dậy thì”, “Cấp 3 - Hãy nhìn kỹ tương lai”. Câu trả lời cho “Nghề bố mẹ” thời 4.0 đã được TS. Nguyễn Chí Hiếu định nghĩa bằng 3 cụm từ: “Ấm áp”, “Tôn trọng” và “Yêu cầu cao”.
Các kỳ thi chuẩn hóa bây giờ được đẩy quá nhiều vào cấp 1. Qua thực tế dạy học sinh, TS cho rằng không có học sinh nào sung sướng khi ngồi luyện thi 40 phút. Chúng ta đang lấy kỳ thi chuẩn hóa SAT lớp 12 của Mỹ đẩy xuống dần dần đến cấp 1. Trong khi đó, mấy cuộc thi này chỉ bố mẹ thích, thầy cô thích. Với cấp mầm non và tiểu học, theo TS. Hiếu trẻ cần được tương tác, được trò chuyện, được chơi, được đọc sách, được viết...
Đang đào tạo “thú luyện xiếc”
Đối với lứa tuổi THCS, TS. Nguyễn Chí Hiếu chỉ ra một thực tế đây là độ tuổi cần phát triển tình cảm, tâm sinh lý, cha mẹ cần chia sẻ và đồng hành. Theo một nghiên cứu thì, ở lứa tuổi này chỉ có 50% quan hệ bố mẹ - con cái là tốt đẹp. Cảm xúc của trẻ sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Thích trải nghiệm những cái mới. Và đây là độ tuổi của sự sáng tạo vô bờ bến.
Thế nhưng, thực tế, hiện nay, trẻ ở lứa tuổi này đang được đào tạo như “thú luyện xiếc”. Quá nhiều bài thi cử, phá vỡ năng lực tự ra quyết định. Bố mẹ, thầy cô chỉ quan tâm trẻ học được gì thay vì học như thế nào.
TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng ngành công nghiệp luyện thi bùng nổ bắt đầu từ chính nhu cầu của phụ huynh. Điều nguy hiểm nhất là các kỳ thi này đều là thi trắc nghiệm. Giờ học chuyển dần sang luyện thi ở các đề thi đóng thùng và giết chết sự sáng tạo. Bởi vì toàn đề thi trắc nghiệm, tư duy của học sinh chỉ có 1 đáp án đúng.
TS. Hiếu cũng cho hay mục đích ban đầu của người làm ra đề thi trắc nghiệm là để kiểm tra xem học sinh yếu kiến thức ở chỗ nào. Chắc ông cũng không ngờ được nó trở thành một nền công nghiệp như hiện nay.
Theo quan điểm của TS.Hiếu, đối với cha mẹ, cũng không nên sốt ruột theo kiểu “con nhà người ta”. Vì là cha mẹ, hãy học cách dung hòa giữa kỉ luật và yêu thương trong gia đình. Là cha mẹ, hãy trao cho con niềm tin, sự bao dung và nhẫn nại để nuôi dạy con thành một người tự chủ với đầy đủ kiến thức - tư duy- kỹ năng - nhân cách, vì thời gian của con trẻ một khi đi qua sẽ chẳng thể lấy lại được, và chính chúng ta - những người làm cha mẹ cũng không thể theo con đến suốt cuộc đời.