Chắp cánh giấc mơ cho trẻ em thiệt thòi
Tổng hành dinh của Tòhe nằm nép mình lặng lẽ trong một ngõ nhỏ yên tĩnh giữa con phố sầm uất. Bước vào cửa hàng ở tầng 1 là ti tỉ những thứ xinh xắn, đầy màu sắc. Từ quần áo, túi xách đến cái ví nhỏ đựng điện thoại, tất cả đều được in những hình ảnh vui nhộn, ngộ nghĩnh.
Phạm Ngân bảo, đó là tất cả “gia tài” chị có được sau 10 năm vui buồn với Tòhe.
Thương hiệu Tòhe được khởi động từ năm 2007 nhưng đến 2009, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), công ty Tòhe mới chính thức đi vào hoạt động. Từ khi được thành lập đến nay, Tòhe đã tạo ra một sân chơi cho các em khuyết tật thiệt thòi bằng cách tổ chức các lớp hướng dẫn sáng tạo ngoại khóa cho các em, đồng thời, khi tranh của các em được chọn lọc và sử dụng in lên các dòng sản phẩm lifestyle bán ra thị trường, một phần lợi nhuận sẽ dùng để tiếp tục mở rộng các lớp học mới, đồng thời cũng giúp các em có thêm một phần lợi ích vật chất trang trải cho cuộc sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn.
“Tôi mất 4 năm để vẽ như Raphael, nhưng dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”.
Picasso
Năm 2006, vợ chồng chị có cơ hội sang thăm bảo tàng nghệ thuật ở Barcelona và bất chợt đọc được câu nói của Picasso mà cả hai vô cùng tâm đắc: “Tôi mất 4 năm để vẽ như Raphael, nhưng dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. Vài tháng sau, Tòhe ra đời dưới sự điều hành của cả hai vợ chồng Ngân và một người bạn thân.
Lớp học đặc biệt của Tòhe.
Tính đến nay, Tòhe đã mở lớp học tại hơn 20 Trung tâm bảo trợ xã hội, trường học dành cho trẻ khuyết tật trên cả nước và tạo cơ hội tham gia sân chơi định kỳ hằng tuần cho hơn 1.000 trẻ em thiệt thòi. Ở những lớp học của Tòhe, có những bạn học sinh đặc biệt, dùng cùi chỏ để ghì bút vẽ vì không có tay, hay dùng chân để căn lề giấy bởi đôi mắt không thể nhìn thấy. Ở đó, cô giáo có thế không có nhiều kỹ năng giáo dục đặc biệt nhưng có trái tim hồn nhiên, nồng ấm, yêu trẻ thơ. Lớp học đó cũng không dạy các em những kỹ năng điêu luyện mà khuyến khích các em tự do nghĩ, tự do tưởng tượng và tự do biểu đạt. Vì thế, những cánh đồng có thể sẽ màu đỏ, những cái cây màu tím, đám mây màu xanh và ánh mặt trời màu ngọc bích.
“Khi chứng kiến các em say sưa vẽ với trí tưởng tượng phong phú dù các em có bị khuyết tật hay mồ côi thiệt thòi, tôi lại chạnh lòng tự hỏi phải chăng chính mình là những người thiệt thòi, khuyết tật so với các em khi giữa cuộc sống đầy đủ mà trên khuôn mặt luôn phải buồn lo toan tính”.
Ngân Tòhe
Những hình vẽ dễ thương, ngộ nghĩnh đó đã được in lên tác sản phẩm áo quần, bao bì, túi xách, đồ lưu niệm… để chu du khắp đất nước, thậm chí xuất ngoại ra các nước trên thế giới. Ngoài thị trường trong nước với 5 cửa hàng tại Hội An và Hà Nội, sản phẩm của Tòhe cũng đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ 2 năm nay, được khách hàng tại Ðức, Úc, Hàn Quốc, Ðài Loan, Hong Kong đón nhận.
Mong muốn mang lại những sản phẩm tuyệt đối an toàn cho trẻ em, ngay trong giai đoạn đầu, Tòhe đã xây dựng một quy trình khép kín từ bộ phận thiết kế, bộ phận sáng tạo đến các xưởng in, xưởng may... Lựa chọn màu vẽ, mực in “ăn được” nhập khẩu từ Hàn Quốc, vải 100% cotton được đặt dệt tại nhà máy trong nước. “Tò he là một trò chơi dân gian làm từ gạo mà ra, những thứ chơi được và cũng ăn được. Nó cũng giống các sản phẩm của Tòhe, vừa chơi, vừa vui và nếu bán thì cũng... ăn được”- Phạm Ngân hóm hỉnh giải thích tên gọi Tòhe của công ty.
Ngân Tòhe.
Ðôi khi ước mình là trẻ thơ
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường theo đuổi giấc mơ Tòhe, Phạm Thị Ngân đã trở thành nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách 121 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu 2016 (YGL) do diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố. Danh hiệu này không chỉ đánh dấu bước phát triển của của Tòhe mà còn là dấu mốc quan trọng của doanh nghiệp xã hội Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Riêng với Ngân, nó cực kỳ ý nghĩa, bởi nó chứng tỏ: vợ chồng chị không bị điên. “Nhiều người, kể cả người thân và bạn bè đều bảo vợ chồng tôi bị điên khi đang yên đang lành bán hết nhà cửa, xe cộ, đóng cửa cả một công ty đang kiếm tiền rất ổn để đầu tư vào một dự án thua lỗ triền miên. Người bạn đồng sáng lập Tòhe cũng đã phải ra đi vì không nhìn thấy lối thoát. Năm 2011, Tòhe lỗ nặng. Năm 2012, công ty lỗ hơn 1,5 tỷ đồng. Năm 2013, lỗ giảm còn khoảng 500 triệu đồng.Năm 2014, Tòhe hòa vốn và đến nay thì đã có lãi” - Chị nhớ lại những ngày tháng khó khăn đã qua.
Mà có dạo, chị cũng gần… bị điên thật. Ðó là giai đoạn chị bị trầm cảm suốt mấy năm liền. Tòhe như cái máy đốt tiền, vợ chồng căng thẳng, không có thời gian chăm sóc con cái, cộng với thần kinh yếu, dễ xúc động đã đẩy chị vào tình cảnh sức khỏe và tinh thần xuống dốc không phanh, trí nhớ sụt giảm. Nhiều hôm, người ta thấy chị đến công ty, đứng tần ngần rồi lại xách xe quay về. Tìm đến các lớp học thiền để cân bằng cảm xúc, và đặc biệt, khi Tòhe bắt đầu có dấu hiệu giảm lỗ, Ngân mới dần vượt qua khủng hoảng.
Ngân bảo, rất ngại khi ai đó gọi là “doanh nhân”, bởi tự thấy mình cảm tính và kiếm tiền rất dở.Với nhiều lãnh đạo, khi xây dựng tổ chức thường chọn cách nghiêm khắc, khắt khe, không để chuyện tình cảm, cá nhân chi phối thì chị lại để mọi thứ diễn biến một cách… hồn nhiên. Ở Tòhe không có ranh giới giữa sếp và nhân viên. Hay nói đúng hơn, ai cũng là… sếp. Thậm chí, cả Ngân và chồng mình - họa sĩ Nguyễn Ðình Nguyên đều đùn đẩy nhau làm… giám đốc. Cuối cùng, họ in trên danh thiếp là “dám đốc công ty cổ phần Tòhe”.
“Tôi tin là mọi thứ tự nhiên đều có sức hút của nó. Khi chứng kiến các em say sưa vẽ với trí tưởng tượng phong phú dù các em có bị khuyết tật hay mồ côi thiệt thòi, tôi lại chạnh lòng tự hỏi phải chăng chính mình là những người thiệt thòi, khuyết tật so với các em khi giữa cuộc sống đầy đủ mà trên khuôn mặt luôn phải buồn lo toan tính” - nhà sáng lập Tòhe chia sẻ.
Trong tương lai, Phạm Ngân mong muốn sẽ xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất sản phẩm, nơi đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho các em khuyết tật, thiệt thòi. Phạm Thị Ngân cũng mong muốn xây dựng được một một ngân hàng tranh để kết nối, trao đổi, mang những tác phẩm tranh vẽ của các em ra thị trường. Hiện tại, Tòhe cũng đang phối hợp với dự án “Cơm có thịt” để giúp đỡ cả những em nhỏ bình thường nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn.