Trong buổi sáng nay, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng với lực lượng các ban, ngành, đoàn thể địa phương và người dân chia thành nhiều đoàn phối hợp tìm kiếm dọc 2 bên sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn và xã Na Mèo (Quan Sơn).
Các đoàn được chia làm nhiều nhánh, tổ để tìm kiếm. Trên địa bàn huyện Quan Sơn hiện nay nước sông chảy xiết, địa hình nhiều nơi bị chia cắt do mưa lũ nên việc tìm kiếm 12 người của bản Xa Ná bị mất tích vẫn chưa có kết quả.
Ngoài một số bản ở xã Na Mèo đang bị cô lập, còn có các bản là Xuân Sơn, Na Hồ và Sa Mang (xã Sơn Điện) cũng bị cô lập, chưa tiếp cận được. Hiện nay, người dân bị mất nhà đang được bố trí ở cùng các hộ gia đình khác trong bản. Lương thực, thực phẩm cho người dân vẫn đang được sử dụng nguồn dự trự tại chỗ.
Trong khi đó, tại Mường Lát đã tạnh mưa, nước sông, suối đã rút nhanh, hiện lực lượng chức năng cùng nhân dân đang khắc phục giao thông, công trình, nhà cửa sau mưa lũ...
Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch xã Na Mèo (Quan Sơn) cho biết, cách đường ôtô 3 km, bản Sa Ná bị ngăn cách bởi sông Luồng. Sau trận lũ quét 5h hôm qua, đường sá bị phá hủy, việc di chuyển khó khăn. Tối 3/8, nhóm cán bộ biên phòng đã vượt rừng vào đến Sa Ná, song chỉ đi được người, không mang theo được thiết bị cứu trợ hay lương thực, thuốc men. Vì thế, hôm nay lực lượng cứu hộ chọn phương án tiếp cận bản bằng sông Luồng.
Khoảng 300 người dân bị cô lập do lũ hiện vẫn tự túc được lương thực tại chỗ, song thiếu nước uống và thuốc men. "Sức khỏe bà con cơ bản ổn định, chỉ một người bị thương nhẹ, chưa thể chuyển ra trạm y tế...", ông Tiệu cho biết thêm.
Bản Sa Ná, xã Na Mèo, nằm ven suối Son, có 74 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Thái. 5h ngày 3/8, mưa lớn do hoàn lưu bão Wipha làm xuất hiện lũ quét, xóa sổ 20 căn nhà ở bản Sa Ná. 17 người bị lũ cuốn trôi, mất tích. Tối cùng ngày, 5 người còn sống được tìm thấy, 12 chưa rõ tung tích.
Như đã đưa tin, khoảng 22h ngày 2/8, bão Wipha, cơn bão thứ ba ở biển Đông, đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Ninh gây gió mạnh, mưa to, mất điện diện rộng. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đồng bằng trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa, gây sức gió 40-50 km/h, mưa rất to.
Một số nơi có lượng mưa lớn (từ 7h ngày 3/8 đến 7h ngày 4/8) trên 230 mm, như: Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Hưng Yên, Phủ Lý (Hà Nam). Lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra ở Thanh Hóa, Bắc Kạn, ngập lụt ở Hà Nội.