Ngân hàng Việt Á muốn mua mỏ vàng ở Quảng Nam

Nhà máy vàng Phước Sơn lận đận suốt một năm qua vì nợ thuế, sản xuất khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng/VnExpress
Nhà máy vàng Phước Sơn lận đận suốt một năm qua vì nợ thuế, sản xuất khó khăn. Ảnh: Tiến Hùng/VnExpress
Tập đoàn Besra đang thương thảo bán 35% cổ phần tại Công ty vàng Phước Sơn cho Ngân hàng Việt Á và kỳ vọng nhà băng này sẽ tái đầu tư để đưa mỏ vàng hoạt động  trở lại.

Nguồn tin từ Tập đoàn Besra cho biết đang đàm phán việc bán lại 35% cổ phần tại mỏ vàng Phước Sơn cho Ngân hàng Việt Á. Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương, phía tập đoàn đang điều chỉnh giấy phép đầu tư với Sở Kế hoạch đầu tư Quảng Nam.

"Tập đoàn sở hữu hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn ở Quảng Nam. Tuy nhiên chúng tôi chỉ bán cổ phần ở Phước Sơn. Hiện, mỏ Phước Sơn phía tập đoàn có 85% cổ phần, còn 15% cổ phần thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Nam", một đại diện của Besra nói.

Phía tập đoàn kỳ vọng, khi Ngân hàng Việt Á mua lại cổ phần, họ sẽ tái đầu tư để đưa Phước Sơn quay lại hoạt động sản xuất tốt hơn, đồng thời, Besra cũng xin thủ tục giãn nợ từ đợt nợ thuế kéo dài trước đó để trả trong một thời gian nhất định. Riêng phương án tuyển lao động, tập đoàn sẽ ưu tiên những lao động tại địa phương trước đó từng làm việc cho Công ty vàng Phước Sơn.

Trong khi đó, một đại diện của Ngân hàng Việt Á cũng xác nhận nhà băng này đang thương thảo với Besra để cùng tham gia vào việc tái cơ cấu công ty khai thác vàng Phước Sơn từ tập đoàn này.

"Ngân hàng cũng đang phối hợp cùng với Besra xây dựng đề án tái cơ cấu công ty này trình Thủ tướng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giai đoạn đầu thương thảo chứ chưa chốt bất cứ vấn đề gì", vị này nói.

Bồng Miêu và Phước Sơn là hai doanh nghiệp khai thác vàng lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn Besra. Tính đến cuối tháng 1/2015, Công ty vàng Bồng Miêu được thông báo nợ thuế 55 tỷ đồng, Phước Sơn nợ 193 tỷ, cùng hơn 100 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp với 2 đơn vị. Ngoài ra, Besra còn nợ tiền bảo hiểm và các đối tác làm ăn hơn 200 tỷ đồng.

Theo lý giải của phía doanh nghiệp, việc chậm nộp thuế do thời gian gần đây giá vàng thế giới xuống quá thấp, khiến việc sản xuất bị lỗ theo. Năm 2012, vàng thành phẩm được bán với giá 1.700 USD một ounce nhưng nay chỉ còn khoảng 1.300 USD. Ngoài ra, cơn bão Haiyan năm 2013 làm sập hầm khai thác cũng khiến họ gặp không ít khó khăn.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG