Ngân hàng tung chiêu hỗ trợ
Song song với cuộc đua lãi suất huy động đang âm thầm diễn ra, tại thời điểm này, các ngân hàng còn đồng loạt tung gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp. Đích ngắm khá rõ ràng khi ngân hàng muốn giữ chân khách tốt và tăng nguồn thu từ tín dụng.
Các ngân hàng tuyên bố sẵn sàng rót nghìn tỷ đồng cho vay, nhưng liệu doanh nghiệp có mặn mà? Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Hôm qua 24-9, ngân hàng Đông Nam á (Seabank) bất ngờ “tung” gói cho vay 2.000 tỷ tài trợ vốn lưu động với lãi suất ưu đãi 10,99%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước. Theo Seabank, khách hàng vay USD sẽ được áp dụng lãi suất 4,5%/năm với điều khoản tương tự như vay VND. Chương trình tín dụng 2.000 tỷ đồng nhằm tiếp sức DN mùa cuối năm với đối tượng ngắm thẳng vào là khách hàng DN vừa và nhỏ trên cả nước thuộc các lĩnh vực như: hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm xuất khẩu, sản xuất, chế biến, gia công nguyên vật liệu trong nước phục vụ xuất khẩu, dược phẩm và thiết bị y tế, Điện tử và viễn thông. Về lý do của gói này, ông Lê Quốc Long – Phó TGĐ SeABank cho biết: “Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều vốn cho các hoạt động kinh doanh, nhập khẩu, dự trữ hàng hóa... Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, huy động vốn. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp nguồn tiền thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN”.
Cùng ngày, Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cho hay đã hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và DN thông qua vô số các Chương trình/Gói tín dụng ưu đãi chỉ từ 8,95%/năm đối với VNĐ và 4%/năm đối với USD. Cụ thể, DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được vay ở mức 9%/năm đối với VND và 4%/năm đối với USD; DN vừa và nhỏ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 8,95%/năm đến 12%/năm; các ngành kinh tế trọng điểm quốc gia như Điện, Dầu khí, Thép, Than, xi măng, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu…. được vay với lãi suất ưu đãi hợp lý và đặc biệt cạnh tranh trên thị trường. Liên quan đến mời gọi khách hàng, tại một cuộc họp cách đây chưa lâu khi có đông đủ cánh báo chí, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này còn khẩu khí: “Các bạn nếu có khách hàng DN nào tốt khoẻ cứ giới thiệu sang Vietinbank, chúng tôi sẵn sàng cho vay với lãi suất ở mức thấp và cạnh tranh nhất hệ thống”.
Mới đây, người đi đường có thể nhìn thấy một số bạn nam, nữ mặc đồng phục đạp xe đạp chạy vòng quanh các con đường ở trung tâm thành phố và đeo biển quảng cáo cho vay ưu đãi của một ngân hàng có hội sở tại TP Hồ Chí Minh. Theo một nhân viên tham gia, trong thời buổi khó khăn này, không một chiêu nào dù mang lại hiệu quả ít nhiều đều không được ngân hàng tính đến.
Trao đổi với Tiền phong, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần thừa nhận dù muốn hay không thì áp lực tăng trưởng tín dụng cũng như “đích cán” lợi nhuận năm cũng đang “đè” nặng lên đôi vai các ngân hàng. “Chúng tôi biết khách hàng tốt giờ hiếm có khó tìm, lãi suất đã hạ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được và đặc biệt không ít trường hợp không muốn đi vay vì sợ rủi ro. Việc tung các gói hỗ trợ nếu không tính toán kỹ chỉ e dễ rơi vào tình cảnh “treo đầu dê”. Bởi bản chất câu chuyện vẫn là nợ xấu còn một cục, doanh nghiệp không dễ gì đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng..” – Ông thừa nhận.
“Thời gian trở lại đây chúng tôi thường khuyên các nhà đầu tư nên tránh các cổ phiếu tài chính ngân hàng và những ngành liên quan như bất động sản. Mặc dù lãi suất hạ nhưng những vấn đề cơ bản trong hài ngành vẫn còn nhiều tồn tại nên tăng trưởng sẽ gặp khó. Hệ thống ngân hàng sẽ còn khó khăn trong vài tháng nữa”. Ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ. |