Ngày 1/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 10, toàn hệ thống tín dụng tăng trưởng 11,35% so với cuối năm 2021, trong khi nguồn vốn huy động chỉ tăng 4,6%. Thực trạng đó khiến thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào như thời gian trước. Cộng thêm áp lực lạm phát khiến các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn.
Các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình hiện nay đã nâng lãi suất không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 6 tháng chạm trần quy định của Ngân hàng Nhà nước lần lượt 1%/năm và 6%/năm.
Về các kỳ hạn dài, NCB đã nâng lãi suất sản phẩm tiết kiệm An Phú lên 10,35%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng cho người gửi tiền 1 tỷ đồng theo hình thức gửi tiết kiệm online. Saigonbank nâng lãi suất tiết kiệm lên 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng nâng lãi suất tiết kiệm áp sát mức 10%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên như: KienlongBank, GPBank, VPBank, VietABank…
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để huy động nguồn vốn |
Techcombank vốn là ngân hàng có chỉ số cạnh tranh cao cũng đã phải tăng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng. Ngân hàng này vừa đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên 9,3%/năm; các kỳ hạn 6 đến 9 tháng có cùng mức lãi suất 9%/năm.
Theo mặt bằng chung, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Theo đó, Vietcombank khuyến khích người gửi tiền online bằng cách tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên mức 5,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 6%/năm, 6 tháng tăng lên 6,8%/năm, 12 tháng trở lên ở mức 7,7%/năm.
Trong khi đó tại VietinBank khách hàng gửi tiết kiệm online sẽ được hưởng lãi suất cao hơn gửi tại quầy 1,8%/năm ở một số kỳ hạn dài. Lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này hiện nay ở mức 8,2%/năm đối với các kỳ hạn trên 13 tháng.
Nhìn chung các ngân hàng muốn tăng cường thu hút nguồn vốn trong dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn nên điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn dài mạnh hơn.
Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, áp lực lên lãi suất đang có dấu hiệu dịu bớt. Trước hết là lạm phát đang có xu hướng giảm tốc trên toàn cầu. Điều đó khiến các Ngân hàng Trung ương trên thế giới, đặc biệt là Fed có thể chậm lại tốc độ tăng lãi suất.
Trong một diễn biến có liên quan, Fed vừa phát đi thông điệp sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sau khi áp lực lạm phát đã giảm đi đáng kể so với đầu năm nay. Điều đó khiến đồng USD điều chỉnh giảm khá mạnh trong thời gian gần đây, từ đó làm giảm áp lực tới tỷ giá và lãi suất ở trong nước.
Các ngân hàng thương mại có thể sẽ điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn cho phù hợp với giá vốn đầu vào để ổn định lãi suất cho vay trên thị trường. Điều này đã được 18 ngân hàng thương mại thống nhất trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước mới đây. Trên cơ sở đó, Vietcombank đã công bố giảm 1% lãi suất cho vay trong hai tháng 11 và 12/2022 đối với tất cả các khoản vay của cá nhân và tổ chức, trừ khoản vay bất động sản, chứng khoán; tương tự HDBank cũng vừa công bố giảm từ 0,5%-3,5% lãi suất cho vay khách hàng trong hai tháng cuối năm 2022…
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết: “Những điều chỉnh của Ngân hàng Trung ương về lãi suất, tỷ giá trong thời gian qua với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Trung ương đã sử dụng các công cụ rất linh hoạt để góp phần ổn định vĩ mô; đồng thời đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Đây là những quyết sách vừa là giải pháp, vừa mang tính chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến động kinh tế thế giới. Đến nay, thị trường trong nước đã và đang ổn định ở mặt bằng mới”.