Dòng tiền đã “kiệt”, công ty chứng khoán lại ồ ạt tăng lãi suất cho vay margin

0:00 / 0:00
0:00
Sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục nâng lãi suất cho vay margin phù hợp với tình hình mới...

Trước sức ép tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành 2 lần trong thời gian gần đây. Lần thứ nhất từ 23/9/2022; lần thứ hai 25/10.

Trong lần thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã tăng 3 loại lãi suất điều hành, bao gồm: 1) lãi suất tái chiết khấu thêm (+1ppt lên 4,5%/năm), 2) lãi suất tái cấp vốn (+1ppt lên 6,0%/năm), và 3) lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng (+1ppt lên 7,0%/năm).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn nâng mức trần lãi suất tiền gửi và cho vay. 1) Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng tăng +50bps lên 1,0%/năm, 2) lãi suất tối đa đối với tiền gửi kì hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm (+1ppt), và 3) lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành nghề là 5,5%/năm (+1ppt).

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TĂNG LÃI SUẤT CHO VAY MARGIN

Không chỉ ngân hàng, sau động thái trên hàng loạt các công ty chứng khoán đã nâng lãi suất cho vay kỹ quý.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vndirect điều chỉnh lãi suất cho vay ký quỹ từ ngày 07/11/2022 với lãi suất ký quỹ: 0,0378%/ ngày. Phạm vi áp dụng với sản phẩm D-Margin và dịch vụ Ứng trước tiền bán.

Tương tự, Chứng khoán TCBS từ ngày 7/11 cũng áp dụng biểu phí lãi suất trong hạn một năm là 14% với mức lãi suất quá hạn là 20%/năm.

Công ty Cổ phần CHứng khoán ACB (ACBS) cũng vừa thông báo báo điều chỉnh lãi suất đối với sản phẩm giao dịch ký quỹ T14 (Margin T14). Theo đó, kể từ ngày 7/11/2022, mức lãi suất áp dụng đối với sản phẩm Margin T14 của ACBS sẽ được điều chỉnh tăng đối với khoản vay trong 14 ngày đầu tiên, từ mức 4,5%/năm lên mức 6%/năm. Kể từ ngày 15 trở đi, mức lãi suất được giữ nguyên ở mức 14%/năm. Đối với các khoản vay cũ phát sinh trước ngày 7/11/2022, ACBS vẫn áp dụng chính sách lãi suất hiện tại.

Từ ngày 10/11, Công ty CP Chứng khoán Yuanta cũng thay đổi lãi suất cho vay margin mức 12%/năm lên 13,5%/năm tương ứng từ 0,0329%/ngày lên 0,370%/ngày và miễn lãi giao dịch T0 và T1. Với ứng trước tiền bán, thay đổi từ 12%/năm lên 13,5%/năm.

Trước đó, từ ngày 1/11, SSI cũng điều chỉnh mức lãi suất mới áp dụng cho Dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) là 0,0375%/ngày, tương đương 13,5%/năm (biểu 360 ngày).

Trước đó, sau lần điều chỉnh tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9, nhiều công ty chứng khoán cũng đã điều chỉnh lãi suất giao dịch ký quỹ để phù hợp với mức lãi suất ngân hàng mới.

LỢI NHUẬN LIỆU CÓ CẢI THIỆN?

Cho vay margin luôn là mảng hái ra tiền của các công ty chứng khoán. Thống kê của VnEconomy cho thấy, lượng cho vay margin tại các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý 3 vừa qua. Tại 40 công ty chứng khoán top đầu cho vay margin, con số này tính đến 30/9 là 170.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với con số của cuối quý 2/2022 và giảm 13.000 tỷ đồng so với con số đầu năm.

Mặc dù thị trường giảm điểm song khoản cho vay margin vẫn tăng nguyên nhân do, từ đầu quý 3, Vn-Index hồi phục mạnh khiến nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường nên đã tăng vay mua chứng khoán.

Và con số đầu quý 3 thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều so với con số 170.000 tỷ đồng cuối quý 3 bởi trong suốt chu kỳ giảm điểm của tháng 9, hoạt động bán giải chấp đã diễn ra trên diện rộng.

Nhờ đó, trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh, lợi nhuận hầu hết các mảng gồm tự doanh, môi giới, cho vay margin giảm song mức sụt giảm của cho vay margin không đáng kể so với các mảng còn lại.

Cụ thể, thống kê cho thấy, lợi nhuận sau thuế Q3/2022 của 61/87 công ty chứng khoán bao gồm 25 công ty chứng khoán đang niêm yết giảm -52,2% so với cùng kỳ năm ngoái và -16,2% so với quý liền kề trước đó. Lợi nhuận mảng tự doanh và môi giới cũng giảm lần lượt 37,2% và 32,7%. Trong khi đó, lợi nhuận từ cho vay margin của các công ty chứng khoán chỉ giảm 7,7% trong quý 3/2022.

Tuy nhiên, lợi nhuận cho vay margin có thể sẽ khó cải thiện trong quý 4/2022. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường vẫn gặp khó khăn trước bối cảnh vĩ mô nhiều rủi ro, biến cố, nhà đầu tư sau nhiều lần bị bán giải chấp đã hạn chế sử dụng margin để bảo toàn tài sản. Trên thực tế, thanh khoản cạn kiệt có nhiều phiên tiền không vào khớp lệnh dưới 10.000 tỷ đồng. Có đến gần 200 cổ phiếu bị HoSE và HNX đưa vào danh sách không được giao dịch ký quỹ trong quý 4 cũng khiến nguồn thu của các công ty chứng khoán giảm đáng kể.

Theo Vneconomy
MỚI - NÓNG