Ngăn dịch COVID-19, cần quản chặt người hoàn thành cách ly

0:00 / 0:00
0:00
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hưng Yên. Ảnh: Tuấn Dũng
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hưng Yên. Ảnh: Tuấn Dũng
TP - “Tình hình hiện nay đang tiềm ẩn mọi yếu tố có thể dẫn đến tình huống xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng với diễn biến phức tạp, đồng thời nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn từ bên ngoài”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 4/5.

Nhiều áp lực

“Đến nay, đương nhiên tình hình còn rất phức tạp nhưng cơ bản đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ông đặc biệt lưu ý, ba đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này từ bên trong mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó một số nước chung đường biên giới với Việt Nam...

Ở trong nước, mặc dù công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực, song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng quan ngại với nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh hợp pháp, nhập cảnh trái phép, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

“Khi chưa có dịch thì tuyệt đối không được lơ là, bây giờ có dịch phải rất bình tĩnh, chúng ta thực hiện thật nghiêm để khoanh dịch, dập dịch sớm nhất. Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác, nếu để dịch bệnh xuất hiện trong nước lẫn xâm nhập từ bên ngoài thì rất phức tạp”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm.

“Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến”, Phó Thủ tướng nói.

Quản lý chặt 14 ngày sau khi cách ly tập trung

Qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thảo luận về việc thực hiện các quy định cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nhà.

Các ý kiến thống nhất đánh giá, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly mắc COVID-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.

Điển hình là ca bệnh 2899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sau khi về theo dõi, giám sát y tế tại nhà đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với rất nhiều người. Hay trường hợp ca bệnh là chuyên gia Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Yên Bái đã di chuyển đến rất nhiều tỉnh thành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, từ 0h ngày 4/5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4/5 phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt, nhằm đảm bảo việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành trong chiều tối 4/5 để từ sáng 5/5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm. Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm”.

Hôm qua có 3 ca lây nhiễm cộng đồng

Tối 4/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày ghi nhận có 15 ca mắc COVID-19, trong đó có 12 ca nhập cảnh Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, An Giang và 3 ca lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng, Hà Nội. Ba ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm: bệnh nhân 2989 (nữ, 25 tuổi, trú tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) làm việc tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng từ ngày 30/4. Bệnh nhân là F1 của BN2982. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; bệnh nhân 2982 (28 tuổi, trú tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm việc tại quận Hải Châu, Đà Nẵng từ ngày 29/4; bệnh nhân 2985 (26 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có liên quan dịch tễ ngồi gần 2 chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh cách ly ngay từ ngày 9-23/4 tại tỉnh Yên Bái) trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 29/4.

MỚI - NÓNG