Ngàn cây số đường đèo trên chiếc xe không còi liều mạng

Tác giả tại chợ Sà Phìn, Đồng Văn trong chuyến công tác cuối năm 2012. Ảnh: Trường Phong
Tác giả tại chợ Sà Phìn, Đồng Văn trong chuyến công tác cuối năm 2012. Ảnh: Trường Phong
TP - Nghe một chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam kể về việc thương lái Trung Quốc sang thu mua ồ ạt một loài cây quý hiếm, sắp tuyệt chủng ở Đồng Văn (Hà Giang), tôi rủ cậu đồng nghiệp cùng cơ quan, vừa là bạn đại học lên đường. Không thể lường trước hành trình hơn 1.000 cây số trên chiếc xe máy không còi với một lần suýt xuống vực.

Cậu bạn Trường Phong khi ấy đang là phóng viên Ban Thanh niên, đề xuất thêm một số đề tài về thanh niên nữa. Vậy là chúng tôi vạch ra hành trình từ Hà Nội đi Tân Trào rồi lên Na Hang (Tuyên Quang) sau đó ngược trở lại đi Đồng Văn (Hà Giang). 

Ngàn cây số đường đèo trên chiếc xe không còi liều mạng ảnh 1  

Trước đó, tôi và Trường Phong chưa từng có kinh nghiệm đi vùng cao, thứ hỗ trợ duy nhất chúng tôi là định vị GPRS và đó là sai lầm “chết người” cho những người lần đầu đi vùng cao khi mà định vị chỉ những con đường ngắn nhất nhưng không phải là đường thông dụng nhất. Những con đường mà đi mãi đi mãi chỉ thấy núi rừng chứ không có nhà dân, hàng quán.

Chuyến đi suôn sẻ khi đến Sơn Dương nhưng hành trình từ Sơn Dương lên Na Hang đầy nhọc nhằn với những cung đường núi ngoằn ngoèo, quanh co và chiếc xe máy wave RSX của cậu bạn bỗng nhiên hỏng còi trong khi đường đầy những khúc cua tay áo.

Nhớ trên đường đi, xe máy leo đến đỉnh đèo Khâu Lắc (Lâm Bình, Tuyên Quang) vào cuối chiều. Miền núi sương phủ sớm, cảnh vật mờ ảo chưa thấy đường bỗng một chiếc xe xúc to lù lù xuất hiện. Anh lái máy xúc ngoái cổ ra nói “chờ san xong đường thì đi nhé”.

Khi chúng tôi đổ dốc, trời sắp tối. Con dốc xuống đèo Khâu Lắc khi ấy chưa làm, đường khấp khểnh nhiều đá lớn, cậu bạn đồng nghiệp đổ xe theo dốc, tôi lội xuống cuốc bộ. Thân gái một mình, nhìn lên chỉ thấy sương mờ mịt, xung quanh không một bóng người chỉ có núi non, cây cỏ, cảm giác rờn rợn.

Nhưng hành trình từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn mới là nỗi kinh hoàng thực sự cho tôi. Cậu bạn đồng nghiệp gan dạ cũng tái mặt khi bắt đầu từ cổng trời Quản Bạ. Những ngày mùa đông, sương mờ mịt, tất cả những gì chúng tôi thấy phía trước chỉ là đèn pha xe tải rọi thẳng vào mặt trong khi trời lạnh buốt, một bên là núi cao, bên kia là vực sâu thăm thẳm, đá nhọn tua tủa, thi thoảng giật bắn mình vì ở khúc cua một chiếc ô tô xuất hiện đột ngột trong khi chiếc xe của cậu bạn vẫn chưa sửa được còi. Nhiều đoạn tôi phải xuống xe cuốc bộ vì chiếc xe máy không làm sao tải được hai người lên con dốc dựng đứng.

Chúng tôi “đóng quân” ở khu nhà Vương, xã Sà Phìn, Đồng Văn. Từ đó tỏa đi các xã cũng hiểm trở, gập ghềnh như đường từ Hà Giang lên Đồng Văn. Có lần vừa tránh một chiếc ô tô tải ngược chiều xong, chưa kịp hoàn hồn thì thêm chiếc xe ô tô con lao tới. May mắn thay, cậu bạn kịp phanh trước khi xe máy chạm vào bờ vực. Một phen hú hồn.

Hành trình gian nan nhưng có nhiều trải nghiệm. Bên cạnh nỗi sợ khi đi qua cung đường quá hiểm trở, đôi lúc chúng tôi trầm trồ vì cảnh đẹp bên đường, nhất là những cung đường Tuyên Quang khi cây rừng xanh mướt, phía dưới là những hồ nước xanh trong, đẹp đến mê người. Đi rồi mới thấy thấm thía câu nói của GS Võ Quý (Người anh hùng môi trường từng nhận giải thưởng Hành Tinh Xanh- tương đương Nobel trong lĩnh vực môi trường): “Tôi từng đi đến hơn 50 nước. Ở Việt Nam, tôi đã đi khắp các huyện của các tỉnh, phải thừa nhận rằng không nơi nào cảnh quan thiên nhiên đẹp như đất nước ta”.

Lần đầu tiên tôi được nghe những cái tên lạ hoắc như Thài Phìn Tủng, Sính Lủng, Tả Phìn (những địa danh của huyện Đồng Văn). Lần đầu nhìn thấy cảnh người mẹ bồng con lên rẫy, thấy cảnh “cô em xóm núi xay ngô tối”.

Tôi không nhớ chi tiết chúng tôi đã đi qua bao nhiêu km nhưng cậu bạn đồng nghiệp bảo cỡ chừng hơn ngàn cây số. Cũng may mắn, dù đường đi vất vả nhưng công việc thuận lợi, suôn sẻ. Ngoài loạt bài 2 kỳ về “Chảy máu cây quý vùng biên”, chúng tôi còn làm được nhiều bài viết khác về hũ gạo tình thương ở Tuyên Quang, bài “Nở hoa trên đá” về tình yêu đôi lứa của hai trí thức trẻ về Đồng Văn làm phó chủ tịch xã, bài về “Hậu duệ của cây đa Tân Trào” cho số báo Tết Quý Tỵ.

Hồi ấy, chúng tôi mới vào nghề chưa lâu, chưa đủ kinh nghiệm để có thể nâng tầm loạt bài “chảy máu cây quý vùng biên” thành một loạt bài ấn tượng hơn, có thể tham gia các giải thưởng báo chí. Tuy nhiên, ngoài sự nối tiếc ấy, đây là chuyến đi ý nghĩa cả về bài vở lẫn trải nghiệm, là kỷ niệm sâu sắc nhất trong 9 năm làm nghề của tôi. 

Đi rồi mới thấy thấm thía câu nói của GS Võ Quý (Người anh hùng môi trường từng nhận giải thưởng Hành Tinh Xanh- tương đương Nobel trong lĩnh vực môi trường): “Tôi từng đi đến hơn 50 nước. Ở Việt Nam, tôi đã đi khắp các huyện của các tỉnh, phải thừa nhận rằng không nơi nào cảnh quan thiên nhiên đẹp như đất nước ta”.

MỚI - NÓNG