Trò chuyện với Tướng Khương ngày báo chí

Trung tướng Đoàn Duy Khương chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trung tướng Đoàn Duy Khương chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump
TP - Tôi và Trung tướng Đoàn Duy Khương- Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quen nhau từ lâu, những lần chạm mặt chóng vánh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Công an…nhưng lại chưa có dịp hàn huyên để chia sẻ về nghề, về đời. Thậm chí, ông còn “mang tiếng” là nhân vật khó gần với giới truyền thông. Đến nay, ông mới một lần trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (2019). 

Bản thân tôi từng là phóng viên

 Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ gì với những người làm báo? 

Do đặc điểm nghề nghiệp, tôi thường xuyên đọc báo, xem truyền hình. Với các hình thức đa dạng, phong phú, dưới ngòi bút chân chính, các nhà báo đã đem đến cho bạn đọc lượng thông tin ngày càng lớn, vô cùng đa dạng, kịp thời. 

Qua báo chí, hàng ngày, lực lượng Công an Thủ đô cũng đã tiếp nhận được khá nhiều thông tin có giá trị phục vụ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Cũng qua những bài báo khách quan, nhân văn, với góc nhìn riêng mà chúng tôi đã khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Tôi khẳng định, thông tin báo chí thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc truy xét, khởi tố, phá án. Ngoài ra, báo chí góp phần xây dựng hình ảnh Công an TP Hà Nội đẹp hơn trong mắt quần chúng nhân dân. Do đó, chúng tôi luôn coi các phóng viên, nhà báo là những chiến sỹ góp phần không nhỏ trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. 

 Minh chứng là từ thông tin báo chí, Công an Hà Nội tiến hành xác minh điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, đánh trúng và làm tan rã nhiều băng, ổ nhóm tội phạm. 

Điển hình như vụ “Hưng Kính”: Từ thông tin báo chí cung cấp, Công an Thành phố nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Kim Hưng (tức “Hưng Kính") do liên quan tới đường dây bảo kê tại chợ đầu mối Long Biên. 

 “Hưng Kính” là trường hợp rơi rớt lại từ thời “Khánh Trắng” (tức Dương Văn Khánh, nhân vật cầm đầu băng ổ xã hội đen gồm 19 đối tượng khét tiếng ở Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20 - PV). 

 Đáng chú ý “Hưng Kính” này cũng sử dụng chiêu thức bảo kê bốc xếp, ăn chặn chèn ép tiểu thương…hệt như “Khánh Trắng”. 

Vẻ ngoài, hắn luôn tỏ ra hào hoa lịch lãm và làm nhiều công tác từ thiện. Mục đích là để che mắt thiên hạ. 

Cũng từ thông tin trên Tiền Phong phản ánh về nạn cát tặc hoành hành trên sông Hồng, chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ trinh sát âm thầm điều tra, mai phục, qua đó bắt giữ hàng chục đối tượng, thu giữ hàng trăm phương tiện tàu thuyền liên quan…

Một số nhà báo cho rằng, Công an TP Hà Nội nói chung và Trung tướng nói riêng chậm cung cấp thông tin, xa rời báo chí, ông nói sao về điều này? 

Đấy là tin đồn thôi, khi có dịp gặp gỡ trò chuyện kĩ hơn, tôi nghĩ anh em báo chí sẽ có cách nhìn khác. 

Bản thân thôi từng là phóng viên của một tờ báo lớn nên tôi không chỉ thuộc lòng nghiệp vụ của nhà báo mà còn rất hiểu những khó khăn trong quá trình tác nghiệp của anh em phóng viên. Vì vậy, nhận định Công an Hà Nội xa rời báo chí là không đúng. 

Bản thân tôi, dù công việc bận rộn nhưng vẫn thường xuyên trao đổi với các cơ quan báo chí qua tin nhắn, điện thoại, kịp thời cung cấp thông tin đảm bảo tính thời sự, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo thực hiện quyền tiếp cận các nguồn thông tin chính thống theo đúng quy định của pháp luật. 

Đau đầu những vụ “khó nói” 

 Hẳn là có lúc nào đó, ông gặp vấn đề khó nói nên từ chối trả lời báo chí? 

Đúng là chúng tôi cũng có cái khó của nghề. Trong quá trình điều tra, về quy định, không thể cung cấp thông tin vì liên quan đến yếu tố nghiệp vụ lẫn yếu tố xây dựng và tính nhân văn trong việc thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Đặc thù nghề nghiệp chúng tôi buộc phải giữ bí mật. 

Trong khi báo chí lại đòi hỏi thông tin phải nhanh, nóng hổi, nhằm phục vụ bạn đọc. 
Điển hình như năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận thi cử, hay những thiết bị mắt thường nhìn giống như máy tính thông thường, nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng. Một thí sinh nữ đã vi phạm quy chế thi, dùng các phương tiện công nghệ cao như vậy. 

Nhưng đưa tin vụ việc thế nào phải cân nhắc, vì thí sinh đó cũng như con cháu của tôi vậy, mới 17-18 tuổi mà thôi. Chỉ là đứa trẻ đang tập tễnh bước vào đời. Nếu chúng ta đưa tin ồ ạt, công khai, khác nào sẽ bịt ngưỡng cửa tương lai của đứa trẻ đó? 

 Đối với báo chí, đó là thông tin nóng hổi, sẽ thu hút bạn đọc bấm chuột vào xem, rồi thậm chí chia sẻ ồ ạt trên mạng xã hội. Kéo theo đó là những lời bình luận ác ý, thêu dệt thông tin. Nếu bạn là thí sinh đó, bạn sẽ có cảm giác như thế nào? 

Cho nên khi cung cấp thông tin, ngoài tính hiệu quả, tôi muốn các nhà báo hãy suy xét đến cả hậu quả. Đôi khi hậu quả sẽ rất khó lường.

Trò chuyện với Tướng Khương ngày báo chí ảnh 1 Trung tướng Đoàn Duy Khương trò chuyện cùng báo Tiền Phong

Hay như vụ “Hưng Kính”, mình đã nói với anh em phóng viên là đang xác lập chuyên án, nhưng vì nóng vội thông tin sớm lên mặt báo, khiến chúng tôi bị động không bắt quả tang được. Tội cưỡng đoạt tài sản làm rất khổ, phải bắt quả tang. Phải mất một thời gian sau chúng tôi mới củng cố hồ sơ, đủ tài liệu bắt Hưng Kính tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đấy là yếu tố nghiệp vụ. 

 Như ông nói, với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm thì liều lượng cung cấp thông tin cho báo chí như thế nào? 

Tôi cho rằng điều đó liên quan đến tính xây dựng của báo chí. Chúng ta mong muốn được sống trong xã hội tươi đẹp, mang tính nhân văn, nhưng những chuyện nhạy cảm như “bố đẻ cưỡng hiếp con gái”, hàng triệu triệu đàn ông mới có một người “biến thái” như vậy. Đó không phải là trường hợp điển hình để mình thông tin dày đặc lên mặt báo. 

Phóng viên, nhà báo gọi điện, nhắn tin cho tôi, tôi đều sẵn lòng nghe máy. Những vấn đề gì trả lời được trên điện thoại, tôi sẽ trả lời ngay. Nhưng có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, chúng tôi cần mời phóng viên đến để làm việc, không thể nói qua loa trên điện thoại được. 

Sẵn sàng, nếu phải… chặt hết cánh tay! 

  Trung tướng có nhận thấy, khi báo chí phản ánh tiêu cực, hình ảnh của lực lượng có bị tổn thương nhưng sẽ đẹp lên?

Làm sao cho đẹp lên? Có những lúc, phóng viên báo chí tiếp cận đơn tuyến, không đầy đủ nên thấy hình ảnh lực lượng công an không toàn diện. Đấy là thiếu sót của các bạn phóng viên. Thậm chí có những thế lực thù địch cố tình xuyên tạc thông tin, nếu các bạn không tỉnh táo, không dành thời gian kiểm chứng nguồn tin, chỉ nghe một phía thì vô tình tiếp tay cho thế lực thù địch, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. 

Khi về đảm nhận vai trò Giám đốc Công an TP Hà Nội, tôi có nói với anh em về chuyện kỷ luật. Đối với tôi, nếu phải ký văn bản kỷ luật anh em, thì chẳng khác nào cầm dao tay phải chặt tay trái. Đau lòng lắm. 

Tôi cảm nhận được nỗi đau và trách nhiệm của mình ở đó, nhưng tôi thề là nếu phải chặt hết cánh tay trái để cho cơ thể khỏe mạnh, tôi sẵn sàng. Tuy thế, tôi cũng luôn biết rằng con người ai cũng có mặt tốt. Tích cực là cơ bản, nhưng khó tránh sai lầm, khuyết điểm. 

Chính vì thế, thời điểm báo Tiền Phong phản ánh những tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội năm 2018, chúng tôi đã giáng bậc hàm, cảnh cáo và luân chuyển 14 CSGT, 4 lãnh đạo bị hạ thi đua…  

Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này.

"Công an Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo, cùng đội ngũ cộng tác viên chân chính trong và ngoài lực lượng CAND trong thời gian tới” - Trung tướng Đoàn Duy Khương.

MỚI - NÓNG