Nga đã lên án hành động này của Washington, coi nó là sự can dự bất hợp pháp vào công việc của Venezuela, theo Reuters. Moscow cũng nói việc ngăn cản Venezuela xuất khẩu dầu thô sẽ khiến Caracas khó mà trả được số nợ 3,15 tỷ USD cho Nga.
Ít phút trước khi lệnh trừng phạt của phía Mỹ được công bố, Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập tự phong là tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tuần trước với sự hậu thuẫn của Mỹ, nói quốc hội cần chỉ định ban lãnh đạo mới của công ty PDVSA và Citgo, chi nhánh của PDVSA ở Mỹ.
Ông Guaido, được Mỹ và hầu hết các nước phương Tây hậu thuẫn, nói ông Maduro gian lận trong bầu cử và yêu cầu ông phải từ chức để tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Trong khi đó, tổng thống Maduro, trong một bài phát biểu trên truyền hình, cáo buộc Mỹ tìm cách chiếm lấy công ty Citgo Petroleum, tài sản quan trọng nhất của Venezuela ở nước ngoài. Công ty này cũng điều hành một chuỗi trạm xăng dầu ở Mỹ. Ông Maduro nói để đáp trả, Venezuela sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Mỹ không đi xa đến mức cấm các công ty Mỹ mua dầu của Venezuela, nhưng bởi vì tiến trình của các thương vụ này sẽ được vào danh mục “tài khoản khóa”, PDVSA có thể nhanh chóng dừng chuyển hàng sang Mỹ, khách hàng lớn nhất của họ.
“Nếu người dân Venezuela muốn tiếp tục bán dầu, miễn là tiền được chuyển vào các tài khoản bị khóa, chúng tôi sẽ tiếp nhận dầu, nếu không sẽ không mua”, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng.
Số dầu đã ra ngoài biển, đã thanh toán tiền, sẽ tiếp tục lên đường tới Mỹ, theo lời ông Mnuchin. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói biện pháp gây sức ép của Mỹ có thể khiến chính quyền của ông Maduro thiệt hại 11 tỷ USD trong tiến trình xuất khẩu trong năm tới, đồng thời khiến chính phủ ở Caracas không thể xử lý số tài sản trị giá 7 tỷ USD của công ty PDVSA.