Ngăn bạo lực học đường không chỉ có camera

Một số chuyên gia cho rằng, lắp camera không ngăn chặn được bạo lực học đường
Một số chuyên gia cho rằng, lắp camera không ngăn chặn được bạo lực học đường
TP - Theo chuyên gia giáo dục, ngăn chặn bạo lực học đường chỉ dựa vào camera là không đủ mà đòi hỏi phải sử dụng cùng lúc nhiều biện pháp. Thậm chí, lạm dụng camera còn phản tác dụng.

TS. Phan Thị Thanh Tú, hiệu trưởng Trường tiểu học Sài Gòn, Trưởng khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sài Gòn cho rằng: Việc lắp camera nếu không quản lý chặt sẽ dễ vi phạm quyền của giáo viên lẫn học sinh bởi hình ảnh của cô và trò nhiều khả năng bị phát tán. Với học sinh mầm non, nên lắp camera song với học sinh tiểu học thì không cần thiết, bởi lứa tuổi này các em đã nhận thức được vấn đề. Phụ huynh ngày nào cũng trò chuyện với con, thậm chí nhiều em còn chủ động kể với cha mẹ là hôm nay học hành thế nào, có bị cô giáo phạt hay đánh không.

“Trước ống kính camera, giáo viên nhiều lúc muốn làm theo cách của mình cũng không dám bởi chỉ cần một phụ huynh không đồng tình với phương pháp dạy thì có khả năng bị “truy xét”, họ buộc phải chọn giải pháp an toàn dẫn đến mất khả năng sáng tạo. Vô hình trung giáo viên cảm thấy mình không được tin tưởng”, bà Tú phân tích.

Còn ở góc độ đào tạo giáo viên, bà Tú cho biết, việc lắp camera để ngăn ngừa bạo lực chỉ là yếu tố nhỏ và hình thức mà không triệt để. “Đối với sinh viên của tôi, chúng tôi thường nhắc nhở các vụ bạo lực học đường, Luật Trẻ em, quy định về quyền nhân thân... để những nội dung này ăn sâu vào ý thức của sinh viên. Sau khi ra trường, làm nghề, các em cũng biết để phòng tránh”, bà Tú nói.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn Tập đoàn Microsoft cho rằng, gắn camera chỉ là biện pháp giám sát vì quan trọng nhất vẫn là kỹ năng sư phạm và trái tim người thầy. Bà Quyên nêu quan điểm: “Nếu gắn camera để ngăn chặn giáo viên đánh học sinh thì chúng ta đang giải quyết phần ngọn của vấn đề. Không thể gắn camera và mất thời gian ngồi xem nó hằng ngày vì nó đòi hỏi rất nhiều nguồn lực cho việc kiểm soát bằng cưỡng chế thực hiện. Cách hiệu quả nhất là tăng cường phương pháp và kỹ thuật dạy học cũng như tâm lý học đường cho giáo viên và tăng cường tính tự chủ cho học sinh”.

Nên tôn trọng ý kiến giáo viên

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dưới góc độ tâm lý phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi lớp học có gắn camera tuy nhiên cũng có giáo viên cảm thấy không thoải mái. Dạy học trong môi trường có gắn camera khiến họ thấy áp lực trong hành vi, lời nói chưa kể phụ huynh có thể xem hình ảnh mọi lúc mọi nơi. Vì thế, thầy Lâm cho rằng, nếu các trường thực hiện việc này nên hỏi và tôn trọng ý kiến giáo viên trước khi thực hiện.

Theo TS tâm lý Trần Thành Nam, việc áp dụng công nghệ vào quản lý có ý nghĩa ở chỗ, trường học lắp camera ở những góc con người khó kiểm soát thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Còn nếu dùng camera để giám sát hoạt động của cô trò có thể nảy sinh nhiều vấn đề khác như: lộ thông tin cá nhân, phụ huynh hiểu nhầm giáo viên…

“Cá nhân tôi không ủng hộ việc lắp camera trong lớp học. Bởi vì khi các trường tự chủ ngày càng cao, đa số giáo viên có sự tự trọng sẽ cảm thấy mình không được tin tưởng. Điều này cũng có thể góp phần làm tăng áp lực, căng thẳng lên giáo viên và có hành động mất kiểm soát. Góc tối nhất chính là ngay dưới camera. Khi học sinh hư cô giáo không có phương pháp sư phạm vẫn có thể bạo hành các em bằng hình thức nào đó mà phụ huynh khó phát hiện. Vì thế, camera không phải là giải pháp chống bạo lực”, TS Nam nói.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng là trang bị kỹ năng để giáo viên có cách hành xử đúng mực trong lớp học. Chứ không thể, vì một vài sự việc cá biệt ở đâu đó mà yêu cầu phải lắp camera cho các trường học.

“Phụ huynh rất thích lắp hệ thống camera còn giáo viên cũng quen với việc đó. Thiết bị này không giảm sự sáng tạo của học sinh mà giúp nhà trường, giáo viên quản lý lớp học tốt hơn”.
Bà Lê Thị Chính, hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS – THPT Newton

“Trước ống kính camera, giáo viên muốn làm theo cách của mình cũng không dám. Chỉ cần một phụ huynh không đồng tình với phương pháp dạy đó, thì giáo viên có thể bị “truy xét”, họ buộc phải chọn giải pháp an toàn làm mất khả năng sáng tạo, họ cảm thấy mình không được tin tưởng”.
TS. Phan Thị Thanh Tú, hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Gòn, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sài Gòn

MỚI - NÓNG