Nga hôm qua (17/3) đã bác bỏ khả năng trao trả bán đảo Crimea cho Ukraine. Kèm theo tuyên bố đầy cứng rắn và thách thức này, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã cử máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân đến bán đảo ở Biển Đen để tham gia các cuộc tập trận. Đây rõ ràng là một thông điệp sắc lạnh mà Moscow muốn nhắn gửi đến phương Tây.
Hôm 16/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến người ta bất ngờ khi tuyên bố mục đích của Đức là đưa bán đảo Crimea trở lại Ukraine. Phát biểu sau các cuộc hội đàm ở thủ đô Berlin với Tổng thống Ukraine Poroshenko, bà Merkel cho biết, vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hôm 19/3 là “hành động vi phạm luật pháp quốc tế” và gây ra “sự hoài nghi về trật tự hoà bình ở Châu Âu”.
“Việc nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hoà bình và không ngừng nghỉ cho đến khi khôi phục chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ hoàn toàn của Ukraine, tất nhiên bao gồm bán đảo Crimea, là điều rất quan trọng”, nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức đã nói như vậy.
Tuy nhiên, Nga ngày hôm qua tuyên bố nước này sẽ không bao giờ trao trả lại Crimea cho Kiev, thậm chí kể cả khi Mỹ và Châu Âu đưa ra lời cảnh báo rằng họ sẽ tiếp tục duy trì những biện pháp trừng phạt kinh tế đang gây đau đớn cho Nga hiện nay.
"Không có sự chiếm đóng ở bán đảo Crimea. Crimea là một khu vực thuộc Liên bang Nga và tất nhiên là chủ đề về các khu vực của chúng tôi không thuộc phạm trù để đưa ra thảo luận”, phát ngôn viên điện Kremlin – ông Dmitry Peskov tuyên bố.
Thủ tướng Crimea mới đây cũng lên tiếng khẳng định bán đảo này đã trở lại quê hương Nga lịch sử và sẽ không bao giờ trở thành một phần của Ukraine nữa.
Moscow liên tục khẳng định sẽ không trả lại Crimea cho Ukraine. Ngày 21/3 tới đánh dấu đúng tròn một năm Nga thông qua việc sáp nhập bán đảo xinh đẹp trên bờ Biển Đen vào nước này sau khi xảy ra vụ đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych.
Tuyên bố của ông Pesokov được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin bất ngờ ra lệnh hơn 45.000 quân vào vị trí sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong các cuộc tập trận rầm rộ ở gần như tất cả các khu vực của nước Nga, trong đó có bán đảo Crimea. Các cuộc tập trận này thu hút sự tham gia của một số lượng lớn máy bay chiến đấu, tàu ngầm, xe bọc thép...
Điều đáng chú ý nhất là Nga đã triển khai những chiếc máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3 đến bán đảo Crimea trong một màn phô trương sức mạnh đầy hàm ý trong bối cảnh các nước phương Tây đang tung ra một loạt lời dọa dẫm mới nhất nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập này.
Vụ sáp nhập nhanh gọn bán đảo Crimea được xem là một chiến thắng của Tổng thống Putin và là một thất bại của phương Tây. Và cho đến nay, phương Tây được cho là vẫn không thể quên được thất bại đau đớn đó. Việc Crimea sắp kỷ niệm một năm tròn được sáp nhập vào Nga khiến cho “nỗi đau” của phương Tây “sưng tấy” trở lại. Đó là lý do giới chức phương Tây mấy ngày gần đây liên tục đưa ra những cảnh báo, đe dọa và cả tuyên bố sẽ lấy lại Crimea cho Ukraine.
Về phía chính quyền Kiev, giới chức nước này cũng luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Nga cũng liên tục tăng cường sức mạnh phòng thủ trên bán đảo Crimea bằng việc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân, thiện chiến của mình. Hồi cuối năm ngoái, lực lượng quân sự Nga ở Crimea đã được tiếp nhận các hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU để bảo vệ không phận của bán đảo này. Đây là một trong những loại tên lửa mạnh nhất của Nga cũng như mạnh hàng đầu thế giới.
Tiếp đó, Nga còn triển khai tên lửa khủng Iskander tới bán đảo Crimea. Tên lửa Iskander cũng là một vũ khí đáng sợ đối với các đối thủ của Nga. Cũng trong thời gian cuối năm ngoái, 20 chiến đấu cơ Su-27 đã được tái triển khai đến căn cứ không quân Belbek ở Crimea. Chưa hết, giới chức Nga gần đây còn úp mở khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea, khiến Kiev và phương Tây không khỏi giật mình ớn lạnh.
Song song với việc tăng cường triển khai vũ khí, thiết bị quân sự đến Crimea, Nga còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở bán đảo này. Trước cuộc tập trận mới nhất của các máy bay ném bom tầm xa, cách đây hơn một tuần, hơn 2.000 binh lính và 500 vũ khí Nga đến từ các đơn vị phòng không cũng đã diễn tập trên bán đảo Crimea.