Những thay đổi mang tính cấu trúc của ngành thương mại dầu mỏ toàn cầu – trong đó bao gồm những vai trò mới của Nga và Saudi Arabia cùng với những nhân tố phi nhà nước như tổ chức IS - có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp năng lượng của Moskva.
“Xoay trục” năng lượng sang châu Á
Các công ty năng lượng hàng đầu của Nga, vốn đã phải vật lộn với hậu quả của việc giá dầu thế giới suy giảm trong vòng 18 tháng qua, giờ đây đang phải đối mặt với những thách thức bổ sung do sự chuyển dịch cơ cấu thương mại dầu mỏ toàn cầu. Quan trọng nhất, sự nổi lên của Saudi Arabia như là một nhà cung cấp dầu thô chủ chốt cho châu Âu đang buộc Nga phải tăng cường “xoay trục” năng lượng của mình sang châu Á.
Sự cạnh tranh của Saudi Arabia và nổi lên của IS
Trong những năm gần đây, vai trò của Saudi Arabia đã bị suy giảm tại thị trường châu Á khi các khách hàng tại châu lục này đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường vốn phụ thuộc nhiều vào dầu thô từ Trung Đông. Giờ đây, trong một nỗ lực để giữ thị phần, Saudi Arabia đang có kế hoạch xuất khẩu dầu thô nhiều hơn đến châu Âu.
Báo cáo gần đây cho thấy dầu thô của Saudi Arabia là khá hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu năng lượng ở châu Âu, đe dọa sự thống trị thị trường truyền thống của Nga. Giá thấp, thêm vào đó là mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây, là những yếu tố đã khiến các công ty như Shell và Total thực hiện sự chuyển hướng nhập khẩu.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (phải), Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem El-Badri tại cuộc họp báo ở Moscow ngày 30/7/2015. Ảnh: AP.
Từ lâu, châu Âu đã có mong muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Nhập khẩu dầu thô của Saudi Arabia vào thị trường châu Âu sẽ là cách để đạt được mục tiêu này. Gần đây, Ba Lan đã đi tiên phong bằng cách công bố một thỏa thuận đường ống dẫn khí tự nhiên với Latvia, Lithuania và Estonia. Thành phố cảng Gdansk của Ba Lan dự kiến sẽ là một trung tâm lưu trữ dầu, nơi có thể là điểm dự trữ cuối cùng để dầu của Saudi Arabia được chuyển đến các nhà máy lọc dầu ở Tây Âu và Địa Trung Hải.
Các động thái trên đủ để thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất năng lượng tại Nga. Người đứng đầu của Rosneft, Igor Sechin, tuyên bố rằng việc Saudi Arabia bán phá giá dầu thô là nhằm loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng. Nikolaj Rubchenkov, một đại diện của công ty TATNEFT, đã hối thúc Bộ Năng lượng Nga xem xét thêm các biện pháp bảo vệ để bảo vệ lợi ích của Nga tại thị trường phương Tây trong chiến lược năng lượng của chính phủ. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Alexander Novak thì nhấn mạnh sự xâm nhập của Saudi Arabia vào thị trường hiện nay đang trở thành đối thủ cạnh tranh khắc nghiệt nhất của Nga.
Sự kết hợp giữa các biện pháp cụ thể mà những khách hàng châu Âu đang thực hiện và mối quan ngại từ các giám đốc điều hành hàng đầu của Nga cho thấy động thái trên của Saudi Arabia có khả năng thay đổi đáng kể thị trường dầu mỏ châu Âu. Vì vậy, chỉ cần Saudi Arabia giữ giá đủ thấp bằng cách giảm giá, tăng năng suất hoặc cả hai, thị phần của Nga ở châu Âu sẽ tiếp tục bị đe dọa.
Saudi Arabia đang tăng cường xuất khẩu dầu thô vào châu Âu, trong bối cảnh thị phần của nước này tại châu Á đang suy giảm và EU muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu.
Trong khi đó, sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã làm phức tạp quan điểm cho rằng về mặt truyền thống, địa chính trị năng lượng được thiết lập bởi các quốc gia có chủ quyền. IS đã tạo ra 34-40.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương khoảng 1, 53 triệu USD/ngày. Có một số báo cáo cho rằng lượng dầu này được bán và tiêu thụ bởi cả phiến quân và chính phủ của Tổng thống Syria Assad. Sự phụ thuộc lẫn nhau một cách kỳ lạ này đã làm phức tạp thêm tình hình vốn như là mê cung trong khu vực.
Rõ ràng những gì chúng ta đang chứng kiến là, thứ nhất, một sự thay đổi mang tính địa lý trong thương mại dầu. Nga đang chuyển hướng sang phía Đông, giành thị phần từ Trung Đông. Đồng thời, Saudi Arabia đang thay thế Nga trong thị trường khí đốt châu Âu.
Thứ hai, bản chất của ngành thương mại dầu cũng đang thay đổi. Nó không chỉ còn là thương mại dầu thô mà các sản phẩm thương mại tinh chế đang có ý nghĩa trung tâm cho sự toàn cầu hóa của các dòng thương mại trong trung hạn. Vì vậy các nước như Saudi Arabia và Nga đang thực sự tập trung vào việc phát triển năng lực nhà máy lọc dầu của chính mình.
Thứ ba, những diễn biến gần đây tại Trung Đông, nơi mà sản lượng dầu thô đang tăng lên tại các khu vực mà IS kiểm soát, là biểu hiện cho một sự thay đổi lớn – sự ra đời của nền địa chính trị dầu mỏ mới, nơi mà các nhân tố phi nhà nước đang trở nên ngày càng quan trọng.
Kết quả là, những khái niệm về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên quốc gia, rào cản thương mại truyền thống kết hợp với biên giới quốc gia và pháp luật thương mại và ngoại giao năng lượng, tất cả đang được đặt trong một bối cảnh mới.