(Ảnh: Reuters) |
Theo tuyên bố ngày 13/1 của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công diễn ra hôm 11/1, liên quan đến chín máy bay không người lái cảm tử mà lực lượng Ukraine phóng nhằm vào trạm nén khí Russkaya gần làng Gaikodzor ở tỉnh Krasnodar (Nga).
Địa điểm này rất quan trọng đối với hoạt động của đường ống TurkStream, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen.
Một số quốc gia Nam Âu, bao gồm cả Hungary - thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng nhận khí đốt thông qua tuyến đường ống của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công của Kiev "nhằm mục đích ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu" thông qua trung gian.
Tuy nhiên, phần lớn cuộc tấn công đã bị ngăn chặn. Một máy bay không người lái đã rơi gần một đồng hồ đo khí đốt và gây ra thiệt hại nhỏ, sau đó nhân viên của cơ sở này đã nhanh chóng khắc phục sự cố. Tuyên bố nhấn mạnh rằng sự cố này không gây gián đoạn nguồn cung.
Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Kiev đã từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga khi hợp đồng hết hạn vào đầu năm nay. Theo thỏa thuận, khí đốt của Nga được cung cấp cho các nước EU thông qua lãnh thổ Ukraine. Slovakia, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi quyết định này, cáo buộc Kiev gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đường ống TurkStream được đưa vào hoạt động vào tháng 1/2020 và có công suất hàng năm là 31,5 tỷ m3.
Đoạn ngầm của đường ống kéo dài khoảng 930km, trong khi trạm Russkaya đóng vai trò là đầu ra trên lãnh thổ Nga. Một trong hai nhánh của đường ống phục vụ khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhánh còn lại dẫn đến Hungary, Serbia, Bulgaria, Slovakia, Bosnia và Herzegovina, Hy Lạp.
Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Hy Lạp đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).