Không quân Nga tháng 4 này dự kiến bắt đầu thử nghiệm vận hành cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần Sukhoi Su-25SM3. Một quan chức lực lượng không quân vũ trụ Nga cho biết nhà chức trách nước này hy vọng chiếc máy bay nâng cấp có thể được biên chế vào cuối năm nay, theo National Interest.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar, biến thể Su-25SM3 hiện đại hóa có tích hợp một loạt thiết bị cảm biến và các cơ chế phòng thủ nâng cao, giúp chiếc cường kích mang biệt danh "xe tăng bay" này có thể tự tin phô diễn uy lực trên mọi chiến trường ngày nay. Trọng tâm của gói nâng cấp là hệ thống phòng thủ điện tử Vitebsk do Viện nghiên cứu Samara, Nga, phát triển.
Hệ thống Vitebsk bao gồm một radar cảnh báo sớm, một mạng lưới cảnh báo tên lửa bằng tia tử ngoại và một thiết bị gây nhiễu mạnh. Theo một số nguồn tin, bộ trang bị phòng thủ này không chỉ sở hữu thiết bị gây nhiễu radar mà còn có một hệ thống giúp làm mù tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, tương tự gói Đối kháng Hồng ngoại Chung của tập đoàn Northrop Grumman, Mỹ, và các mồi bẫy nhiệt. Hệ thống được thiết kế để bảo vệ cường kích Su-25SM3 khỏi mọi mối đe dọa từ tên lửa vác vai Stinger cho đến tên lửa Patriot hiện đại.
Theo nhật báo Izvestia, Nga, Vitebsk cũng có thể tự động nhận diện và định vị chính xác các thiết bị phát sóng đe dọa đến máy bay. Những dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển đến một hệ thống vũ khí, chẳng hạn như tên lửa chống bức xạ Kh-58, để xử lý, loại bỏ mối đe dọa, đảm bảo an toàn cho máy bay.
Bên cạnh khả năng phòng thủ, năng lực tấn công của cường kích Su-25SM3 cũng sẽ vượt trội hơn trước nhờ trang bị một hệ thống khóa mục tiêu quang điện tử mới với tên gọi SALT-25.
Hệ thống cảm biến này giúp phi công Su-25SM3 phát hiện và theo dõi bộ binh đối phương ở khoảng cách lên đến vài km, bất kể ngày đêm, ở mọi điều kiện thời tiết, kể cả khi xảy ra bão tuyết.
Nga dường như còn tích hợp cả chức năng truyền video theo thời gian thực cho cường kích Su-25SM3, tương tự hệ thống ROVER mà Lầu Năm Góc trang bị cho hầu hết các tiêm kích cải tiến thế hệ 4 trong kho vũ khí Mỹ.
ROVER do Mỹ phát triển từ năm 2002 nhằm hỗ trợ các lực lượng bộ binh quan sát phi cơ hoặc máy bay không người lái (UAV) địch theo thời gian thực nhờ bộ cảm biến truyền hình ảnh trực tiếp từ trên không xuống các máy tính xách tay đặt dưới mặt đất.
Giới chức quân đội Nga cũng củng cố sức mạnh cho cường kích Su-25SM3 bằng một loạt vũ khí hiện đại, điển hình là các vũ khí dẫn đường chính xác thế hệ mới. Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là bom chùm RBC SPBE 500-D. Các oanh tạc cơ siêu thanh Su-24 Fencer của Nga từng dùng chúng ở chiến trường Syria.
Bom chùm RBC SPBE 500-D gồm 6 quả bom thông minh SPBE nhỏ. Mỗi quả bom nhỏ này lại là một vũ khí chống tăng dẫn đường bằng hồng ngoại lắp đầu đạn xuyên phá uy lực lớn, đủ sức xuyên thủng lớp giáp dày 150-160 mm hoặc xuyên qua nóc xe tăng.
Theo Majumdar, nhiều khả năng chiếc cường kích có từ thời Liên Xô này vẫn sẽ chứng tỏ được uy lực mạnh mẽ trên chiến trường thế kỷ 21, khi đối thủ của nó, cường kích A-10 Warthog Mỹ, sẽ bị cho nghỉ hưu vào năm 2022.