Nga tăng sản xuất máy bay ném bom chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà máy chế tạo máy bay Kazan đang tăng cường sản xuất phiên bản hiện đại hóa của máy bay ném bom chiến lược Tu-160M, tập đoàn công nghiệp Nga Rostec công bố tối 24/3.
Nga tăng sản xuất máy bay ném bom chiến lược ảnh 1
Máy bay ném bom hạng nặng tầm xa Tupolev Tu-160M của Nga. Ảnh: Tass

“Nhà máy đang sản xuất máy bay chiến lược Tu-160M phiên bản nâng cấp mang tên lửa. Quyết định tiếp tục sản xuất được Tổng thống Nga đưa ra. Các máy bay được hiện đại hóa đã cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu”, Rostec tuyên bố.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố một chương trình quy mô lớn nhằm nâng cao năng lực sản xuất nhiều vũ khí hơn phục vụ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tổng thống Putin cho biết việc tăng cường sản xuất một “khối lượng bổ sung” vũ khí là rất cấp thiết. Ông đảm bảo rằng sẽ đặc biệt chú ý đến tính hợp pháp và phân bổ kinh phí cho chương trình.

Tupolev Tu-160M được nâng cấp cao dựa trên Tu-160, Tass đưa tin. Máy bay mới cất cánh lần đầu tiên vào ngày 12/1/2021 từ sân bay của nhà máy ở Kazan. Chuyến bay được thực hiện ở độ cao 600m và kéo dài khoảng 30 phút. Tu-160M (NATO định danh là Blackjack) là phiên bản nâng cấp của Tu-160 do Liên Xô thiết kế, được mệnh danh là Thiên nga trắng. Cùng với Tu-95MS, nó là xương sống của phi đội máy bay quân sự tầm xa của Nga.

TU-160 là máy bay quân sự siêu thanh lớn nhất từ trước đến nay và là máy bay chiến đấu nặng nhất thế giới, có khả năng mang tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Nó là đối thủ của máy bay ném bom tầm xa Rockwell B-1 Lancer của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu năm 2015 ra lệnh nối lại việc sản xuất Tu-160 và nâng cấp loại máy bay ném bom chiến lược này.

Theo giới quan sát, ngành công nghiệp quân sự Nga hiện nay phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu linh kiện phương Tây và đã phải vật lộn để sản xuất tên lửa tầm xa tiên tiến cũng như các khí tài khác để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine trong bối cảnh bị Mỹ và đồng minh áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Nga phụ thuộc nhiều vào các trang thiết bị cũ, thậm chí phải dùng lại một số xe bọc thép, xe tăng đã ngừng hoạt động trước đó, CNN đưa tin ngày 24/3.

Không kịp bàn giao vũ khí cho Ấn Độ

Nga không thể bàn giao kịp các mặt hàng quốc phòng quan trọng đã cam kết với Ấn Độ vì cuộc xung đột ở Ukraine, Không quân Ấn Độ vừa cho biết. New Delhi lo lắng cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022 có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất, Reuters đưa tin hôm 23/3.

Nga tăng sản xuất máy bay ném bom chiến lược ảnh 2
Máy bay ném bom hạng nặng tầm xa Tupolev Tu-160M của Nga. Ảnh: Tass

Báo cáo của Không quân Ấn Độ được trình lên một ủy ban của quốc hội và đăng tải trên trang web. Một đại diện của Không quân Ấn Độ báo cáo với ủy ban rằng Nga đã dự tính “một đợt bàn giao lớn” sẽ không thể diễn ra trong năm nay. Báo cáo của Không quân Ấn Độ không nêu cụ thể các mặt hàng dự kiến được giao.

Việc bàn giao vũ khí lớn nhất đang diễn ra là các đơn vị thuộc hệ thống phòng không S-400 Triumf mà Ấn Độ mua từ năm 2018 với chi phí 4,5 tỷ USD. Ba trong số những hệ thống đó đã được bàn giao, và 2 hệ thống nữa đang được chờ. Không quân Ấn Độ còn phụ thuộc vào Nga để có phụ tùng thay thế cho các máy bay Su-30MKI và MiG-29.

Nga là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ trong mấy thập kỷ qua, chiếm tới 8,5 tỷ USD trong tổng số 18,3 tỷ USD mà Ấn Độ chi để nhập khẩu vũ khí từ năm 2017, theo số liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm thống kê.

Theo Tass, CNN, Reuters
MỚI - NÓNG