Nga ra sao trước những đe dọa khốc liệt của Phương Tây?

TPO - Đất nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang bị đe dọa nghiêm trọng khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu liên tiếp tung những “đòn” quân sự nhằm răn đe Nga ở mức cao.
Mỹ triển khai hàng loạt chiến đấu cơ đến Châu Âu đối phó với Nga
Mỹ triển khai hàng loạt chiến đấu cơ đến Châu Âu đối phó với Nga

Mỹ đưa máy bay đánh chặn đến đối phó với Nga

Lực lượng bảo vệ bầu trời Florida của Mỹ sẽ triển khai 12 chiếc máy bay F-15C và khoảng 200 phi công đến Châu Âu như một phần của chiến dịch tăng cường sự hiện diện quân sự của Washington đến khu vực.

Những chiếc F-15C Eagle được trang bị các hệ thống radar không đối không và thiết bị nhằm mục tiêu bắn tỉa tối tân. Các thiết bị này cho phép máy bay có thể phát hiện mục tiêu ở tầm cực xa.

Trên mặt đất, Mỹ còn tìm cách dọa dẫm Nga dưới hình thức triển khai một loạt xe bọc thép Stryker. Điều gây chú ý nhất là Mỹ đã cho đoàn xe bọc thép trên diễu hành khắp Châu Âu, mỗi đêm dừng lại ở một thủ đô mới. 

Theo lời Washington, đó là những hoạt động cần thiết để bảo vệ các thành viên NATO ở Châu Âu khỏi cái mà họ gọi là “một cuộc xâm lược hay gây hấn từ Nga”.

Anh tập trận không quân lớn nhất trong 13 năm

Cùng với hoạt động triển khai quân liên tiếp đến Châu Âu của Mỹ, Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự lớn nhất trên bầu trời nước này trong vòng 13 năm. Điều đặc biệt là cuộc tập trận này diễn ra dựa trên kịch bản giả định là đẩy lùi một cuộc tấn công từ Nga, tờ Sunday Times đưa tin.

Cuộc tập trận không quân mang tên Rising Panther (Báo đen nổi lên) với sự tham gia của hơn 30 chiếc máy bay, trong đó có 20 chiếc chiến đấu cơ Typhoon và máy ném bom Tornado.

NATO dọa dẫm

Trong một diễn biến khác có liên quan đến hành động răn đe, dọa dẫm Nga, thủ đô Riga của Latvia, gần với Nga, gần đây đã trở thành trụ sở mới của một chi nhánh NATOChannel. NATOChannel là một cơ quan cung cấp nội dụng truyền thông, chuyên dựng bằng hình, băng tiếng và nội dung Internet cho liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, báo chí Latvia cho biết.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, văn phòng ở Latvia là dùng để đối phó với Nga. Tuần trước, Chỉ huy tối cao của NATO – Tướng Philip Breedlove từng lên tiếng kêu gọi phương Tây tham gia vào cuộc chiến tranh thông tin với Nga. Và văn phòng của NATOChannel ra đời có thể là từ lời kêu gọi nói trên.

Bên cạnh đó, NATO đã tổ chức hơn 200 cuộc tập trận. Số lượmg máy bay chiến thuật của các lực lượng không quân NATO xuất hiện ở biển Baltic, biển Barents cũng như ở những khu vực gần biên giới của Nga đã vượt qua con số 3.000 chiếc vào năm ngoái.

"Trong năm 2014, NATO đã tổ chức gấp đôi số cuộc tập trận so với năm 2013", đại sứ của Nga tại NATO, ông Aleksandr Grushko phát biểu trên kênh truyền hình Đức Das Erste TV hồi tuần trước.

Cứng rắn, không khoan nhượng

Nga ra sao trước những đe dọa khốc liệt của Phương Tây? ảnh 2 Máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của Nga.

Trước thềm kỷ niệm một năm ngày bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, giới chức phương Tây liên tiếp tung ra những cảnh báo, đe dọa nhằm đòi Nga trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Tuy nhiên, Nga tuyên bố thẳng thừng không trả. Đồng thời, nước này cử luôn máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân đến bán đảo ở Biển Đen để tham gia các cuộc tập trận.

Một động thái mạnh mẽ hơn khi Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tướng Andrei Burbin cho biết, không do dự và ngần ngại, sẵn sàng thực hiện mệnh lệnh gián tiếp sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, ông chủ điện Kremlin cho hay, Phương Tây đang phát triển hệ thống chiến tranh mới tấn công chớp nhoáng toàn cầu, song Nga sẽ "đáp trả thích đáng" bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào an ninh quốc gia của mình. "Không ai đang và sẽ có thể hăm dọa hay gây sức ép lên Nga", ông Putin nói.

Tuyên bố đầy cứng rắn, lạnh lùng này của ông Putin được coi như một cú đáp trả mạnh mẽ và không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của phương Tây.

Nga mở rộng căn cứ quân sự?

Síp vừa đề nghị Nga triển khai căn cứ hải quân ở nước này. Ngay sau đó, Tổng thống Syria al-Assad mời Nga đến xây dựng căn cứ quân sự tại Syria.

Giới phân tích nhận định, Nga sẽ không dễ từ bỏ lời mời này. Bởi lẽ, Không quân Nga có thể sử dụng căn cứ Andreas Papandreou và một sân bay quốc tế ở Paphos (Tây Nam Síp) chỉ cách căn cứ Akrotiri của Không quân Hoàng gia Anh khoảng 50km.

Ngoài ra, sức mạnh Hạm đội biển Đen của Nga chính thức thoát khỏi cái “ao làng” Biển Đen mà vươn tới Địa Trung Hải và xa hơn là Đại Tây Dương nếu được sử dụng căn cứ quân sự ở tại cảng Tartus, Syria.

Bên cạnh đó, Phương Tây cũng đang lo ngại Hy Lạp cũng có thể trở thành thành viên EU tiếp theo quay sang ủng hộ Nga và cho phép Moscow thiết lập căn cứ quân sự tại đất nước của mình.

MỚI - NÓNG