Nga – NATO quyết đấu xung quanh hiểm địa Kaliningrad

Nga – NATO quyết đấu xung quanh hiểm địa Kaliningrad
TPO - Căng thẳng Nga – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lần nữa được đẩy lên nấc thang mới sau khi Moscow công khai việc triển khai tổ hợp tên lửa Iskander-M tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga, tiếp giáp với NATO.

NATO úp mở, Nga công khai

Truyền  thông phương Tây cuối tuần qua đồng loạt đăng tải một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Nga dường như đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M trong khu vực Kaliningrad.

Nguồn tin yêu cầu được giấu tên cho biết, lý do Nga triển khai các hệ thống tên lửa tại Kaliningrad, "có thể không gây ra nguy hiểm", và rằng: “Họ đã chuyển đến Kaliningrad một tổ hợp tương tự  vào năm 2014 để tập trận quân sự. Cũng có thể  đó là một cử chỉ chính trị - hành động biểu dương lực lượng, để bày tỏ thái độ không hài lòng với các hoạt động của NATO”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó đã đã đưa ra cảnh báo rằng: “Bây giờ, sau khi Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này, chúng tôi sẽ buộc phải tính đến việc ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga”.

Trong khi giới chức phương Tây còn đang chờ đợi những phân tích tình báo, và hạn chế tới mức tối đa việc đề cập thông tin nhạy cảm trên, thì chỉ 48 giờ đồng hồ sau, ngày 9/10, Nga đã chính thức ra thông báo xác nhận.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết: Việc Nga cơ động cả hệ thống và các đơn vị tên lửa Iskander-M tới Kaliningrad để hoàn thiện công việc huấn luyện đào tạo, đồng thời khẳng định, việc bố trí Iskander-M ở khu vực Kaliningrad không có gì là bí mật.

Theo Thiếu tướng Konashenkov, tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M là hệ thống cơ động. Trong khuôn khổ chương trình huấn luyện chiến đấu của các đơn vị tên lửa việc đào tạo diễn ra quanh năm, vượt qua những khoảng cách rất xa trên lãnh thổ của Liên bang Nga bằng nhiều cách khác nhau: bằng đường hàng không, đường biển, và tự hành.

“Việc đó không phải là một ngoại lệ, kể cả trong khu vực Kaliningrad, nơi các đơn vị tên lửa liên tục di chuyển và sẽ được tiếp tục trong chương trình huấn luyện chiến đấu của các lực lượng vũ trang”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Tuy giới chức quốc phòng Nga không công bố, nhưng các chuyên gia phân tích nhận định, việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở Romania hồi giữa tháng 5/2016 chính là nguyên nhân khiến Nga đưa ra hành động quân sự mạnh mẽ trên.

Mặc dù Washington nói rằng hệ thống này là “vô hại” đối với Nga, và rằng việc thiết lập ở Đông Âu chỉ với mục tiêu bảo vệ các đồng minh NATO khỏi mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của các nước như Iran, nhưng rõ ràng Moscow vẫn có nhiều lý do để lo ngại rằng hệ thống này đe dọa an ninh của họ. Và Iskander-M được cho là phản ứng đầu tiên của Nga.

Tát nước theo mưa

Kaliningrad nằm xen giữa và tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, hai quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu. Moscow cũng như NATO hiểu rằng, bất cứ một động thái quân sự nào ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước xung quanh.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà sau tuyên bố chính thức của Nga, quan chức các nước NATO đã đồng loạt có những phản ứng xung quanh quyết định mạnh mẽ của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Witold Waszczykowski cho biết: “Chúng tôi tin rằng phản ứng của Nga là không phù hợp với hoạt động của NATO tại khu vực”.

Bộ trưởng Waszczykowski nhấn mạnh, “Nga thổi phồng mối đe dọa mang tên NATO khi chuyển tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào vùng đất Kaliningrad”, đồng thời cho biết quân đội Ba Lan đã trong tình trạng sẵn sàng để đảm bảo an ninh của đất nước cũng như các đồng minh.

Chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodge nhận định: “Nga đang cho thấy họ có thể di chuyển một đội hình lớn cùng nhiều trang thiết bị từ một khoảng cách xa rất nhanh. NATO cũng không thể triển khai một lực lượng lớn đến Đông Âu nhanh như cách mà Nga có thể”.

Ngoại trưởng Litva, Linas Linkevicius cho rằng, việc Nga triển khai tên lửa không chỉ khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng, mà còn có thể vi phạm hiến chương quốc tế có nội dung cấm triển khai tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 500km.

Ông Linas Linkevicius cho biết, Litva sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể để yêu cầu các bên tuân theo thỏa thuận quốc tế. Đây sẽ là một trong những vấn đề được quan tâm tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sắp tới.

Thủ tướng Estonia Taavi Roivas khẳng định, việc Nga triển khai tên lửa đến Kaliningrad là đáng báo động và cho thấy Nga đang nỗ lực gia tăng sức ép với phương Tây.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo “tình hình hiện nay còn nguy hiểm hơn thời kì chiến tranh Lạnh”.

Có thể nói, việc Nga bố trí tổ hợp tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới Kaliningrad, chắc chắn sẽ khiến các thành viên NATO ở khu vực như Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia rơi vào trạng thái “đứng ngồi không yên”. Kaliningrad cũng vì thế mà trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu Nga – NATO trong tương lai gần.

Hiểm địa Kaliningrad

Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga, tiếp giáp với NATO. Trước khi trở thành vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu sau Thế chiến II, Kaliningrad, hay còn được biết tới cái tên Konigsberg, từng là vùng lãnh thổ thuộc Đức.

Tại Hội nghị Postdam, Konigsberg trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Xô viết, sau khi các quốc gia đồng minh thỏa thuận chia nhau châu Âu.

Mặc dù đóng vai trò như một khu vực quân sự khép kín dưới thời Xô Viết, song Kaliningrad (đặt tên năm 1946) - thủa ban đầu vẫn còn mang đậm yếu tố lịch sử Đức. Nhưng do chính sách trục xuất người Đức và di dân người Nga và Ukraine tới của Liên Xô, yếu tố lịch sử Đức đã dần biến mất.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng nổ, Mỹ và NATO tăng cường binh lực đến khu vực Baltic và Ba Lan để kiềm chế Nga. Đáp trả lại, Moscow đã đơn phương chấm dứt một thỏa thuận với Lithuania vốn cho phép cả hai nước giám sát lực lượng vũ trang của nhau vào tháng 5/2014.

Với đường biên giới trên bộ giáp Nga và Belarus - quốc gia đồng minh và là địa điểm đặt rất nhiều hệ thống vũ khí tối tân của Nga, dải bờ biển chịu sự khống chế của Hạm đội Baltic của Nga, các quốc gia NATO là Lithuania, Estonia, Litva và Ba Lan đã và đang chịu sức ép rất lớn về mặt quân sự từ Moscow.

Kaliningrad cũng là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk.

Lực lượng không quân Nga ở khu vực này có các căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye. Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO.

Sức mạnh khủng khiếp của Iskander-M

Tên lửa Iskander (phiên hiệu NATO: SS-X-26) là loại tên lửa cấp chiến dịch - chiến thuật tiên tiến nhất hiện đang được trang bị trong quân đội Nga, được Bộ Quốc phòng Nga đặt mua và trang bị cho lực lượng lực quân đội từ năm 2005.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời.

Đây là loại tên lửa 1 tầng, nhiên liệu rắn, được điều khiển trong suốt quá trình bay.

Iskander có chiều dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km.

Nga – NATO quyết đấu xung quanh hiểm địa Kaliningrad ảnh 1

Mỗi xe phóng 9P78E của hệ thống Iskander-M mang 2 đạn tên lửa và dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút, sai lệch vòng tròn từ 5-7m. Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GLONASS.

Ngoài phiên bản Iskander-M, Nga còn có phiên bản Iskander-K sử dụng tên lửa hành trình P-500. Loại tên lửa này đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận chiến lược Vostok-2014 diễn ra vào tháng 9/2014.

Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.

Iskander có 2 phiên bản, loại chuyên dùng cho xuất khẩu là Iskander-E, loại sử dụng trong quân đội Nga là Iskander-M.

Phiên bản xuất khẩu có tầm phóng tối đa 280km, tối thiểu 50km; phiên bản dùng trong nước có khả năng tấn công tầm xa 480km và có thể hơn nữa (nếu sử dụng tên lửa hành trình P-500, tầm bắn là 2000km).

MỚI - NÓNG