Hãng RIA Novosti ngày 10/10 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết: Việc Nga cơ động cả hệ thống và các đơn vị tên lửa Iskander-M tới Kaliningrad để hoàn thiện công việc huấn luyện đào tạo.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra một lần nữa phủ nhận thông tin tình báo Mỹ cho rằng, Moscow đã “bí mật đặt tên lửa Iskander-M ở khu vực Kaliningrad”.
Theo Thiếu tướng Konashenkov, tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M là hệ thống cơ động. Trong khuôn khổ chương trình huấn luyện chiến đấu của các đơn vị tên lửa việc đào tạo diễn ra quanh năm, vượt qua những khoảng cách rất xa trên lãnh thổ của Liên bang Nga bằng nhiều cách khác nhau: bằng đường hàng không, đường biển, và tự hành.
“Việc đó không phải là một ngoại lệ, kể cả trong khu vực Kaliningrad, nơi các đơn vị tên lửa liên tục di chuyển và sẽ được tiếp tục trong chương trình huấn luyện chiến đấu của các lực lượng vũ trang”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Đại diện thường trực của Nga tại NATO, ông Alexander Grushko cũng nhiều lần để ngỏ khả năng về việc triển khai tại Kaliningrad hệ thống tên lửa Iskander-M, khi nhấn mạnh “Moscow không có bất kỳ hạn chế nào trong việc bố trí hệ thống vũ khí để đối phó với thực tiễn quân sự và tình hình khu vực”.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-M được thiết kế để thay thế các tổ hợp tên lửa 9K79-1 Tochka-U đã lỗi thời.
Không chỉ khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa khó đoán trước được đường bay, tên lửa Iskander còn được áp dụng công nghệ tàng hình plasma cho phép nó xuyên thủng các lá chắn tên lửa hiện đại.
Mỗi xe phóng 9P78E của hệ thống Iskander-M mang 2 đạn tên lửa với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút, sai lệch vòng tròn từ 5-7m. Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GLONASS.
Ngoài phiên bản Iskander-M, Nga còn có phiên bản Iskander-K sử dụng tên lửa hành trình P-500. Loại tên lửa này đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận chiến lược Vostok-2014 diễn ra vào tháng 9/2014.