Nga lại hứng đòn trừng phạt từ Mỹ

Mặc dù trừng phạt Moscow nhưng Mỹ vẫn rất cần nhập titanium từ Nga, bởi đây là nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp hàng không. Ảnh: Spunik.
Mặc dù trừng phạt Moscow nhưng Mỹ vẫn rất cần nhập titanium từ Nga, bởi đây là nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp hàng không. Ảnh: Spunik.
TP - Gói trừng phạt mới nhất Mỹ áp dụng đối với Nga với lý do được nói là “sự liên quan của Moscow” với vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, đã có hiệu lực từ hôm qua. Trước đó Nga nói sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng, theo Russia Today.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai đã công bố một văn bản liên quan, vạch ra những hạn chế mới đối với Nga. Văn bản với tựa đề “Quyết nghị liên quan việc Nga sử dụng vũ khí hóa học”, các biện pháp trừng phạt được áp dụng với lý do Nga có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal (người Nga, từng bị kết tội phản quốc) và con gái tại London hồi tháng Ba, vụ việc mà Anh nhanh chóng kết luận Moscow đứng đằng sau, dù chưa đưa ra được bằng chứng để củng cố cáo buộc.

Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm việc ngăn chặn Nga tiếp nhận hỗ trợ nước ngoài, trừ các “hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”. Mỹ cũng cấm xuất khẩu vũ khí và sản phẩm lưỡng dụng. (Thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” (dual-use technology) theo cách hiểu phổ cập trên thế giới bao gồm các công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và dân sự, được ứng dụng trong các dây chuyền sản xuất xe quân sự, radar, tàu chiến, máy bay… - PV).

Nga sẽ không được nhận tín dụng, bảo lãnh tín dụng hay bất cứ hình thức hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ Mỹ, bao gồm cả ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ. Hạn chế này kéo dài “ít nhất là một năm cho đến khi có thông báo mới”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nói “vì lý do cần thiết cho an ninh quốc gia của Mỹ, các hạn chế sẽ không áp dụng đối với việc xuất và nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ cần thiết cho hợp tác không gian và an toàn hàng không dân dụng”.

“Như thường lệ, (Washington) không đưa ra bằng chứng hay phán quyết tòa án nào ngoài những lời ám chỉ, bóng gió”, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói về lệnh trừng phạt của Mỹ. “Chúng tôi sẽ đối đầu với phương pháp tiếp cận đầy gây hấn của phía Mỹ một cách đúng mức, có trật tự”, ông Ryabkov bình luận, nói thêm rằng Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt mới “theo cách không gây hại đến lợi ích của mình”.

Mặc dù tổng thống Donald Trump luôn nói cải thiện quan hệ Nga - Mỹ sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước, chính quyền của ông vẫn tiếp tục chính sách trừng phạt đối với Nga.

Ðức thúc giục châu Âu phản ứng

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng thúc giục châu Âu phản ứng trước chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác kinh tế quan trọng khác, theo Spunik.

“Washington gợi ý chúng ta hưởng ứng chính sách trừng phạt, thứ có lẽ chỉ liên quan đến Đức và châu Âu. Chúng ta nên phản ứng trước các lệnh trừng phạt bất thình lình và không rõ ràng chống lại Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và trong tương lai, chống lại các đối tác thương mại quan trọng khác”, ông nói.

Ngoại trưởng Maas cũng bình luận việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy “chúng ta chưa hiểu nước Mỹ nhiều như chúng ta tưởng”.

Châu Âu cần “một mối quan hệ đối tác mới, cân bằng với Mỹ”, ông Maas nói và thêm rằng “bằng cách củng cố định hướng của châu Âu đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, chúng ta có thể tạo ra điều kiện để  Liên minh châu Âu và Mỹ tin tưởng lẫn nhau”.

Hãng tin DPA của Đức trích lời ông Maas nói ông dự định nhân sự kiện Năm Đức ở Mỹ, sẽ diễn ra từ 3/10 tới, để thúc đẩy chính sách mới này.

“Đã đến lúc chúng ta đánh giá lại mối quan hệ đối tác giữa hai bờ Đại Tây Dương một cách nghiêm túc”, ông nói. Ngoại trưởng Đức cũng kêu gọi nỗ lực để “củng cố tính tự chủ và tự trị của châu Âu trong các chính sách thương mại, kinh tế và tài chính”.

Một cuộc khảo sát của Viện Gallup (Mỹ) cho thấy 60% người Mỹ nghĩ rằng phương pháp sử dụng sức ép cấp độ cao đối với Nga là ý tưởng tồi. Mặc dù nước Mỹ ầm ĩ các thông tin về chuyện “người Nga can thiệp bầu cử”, vẫn có 58% người Mỹ nghĩ rằng cải thiện quan hệ với Nga quan trọng hơn áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao. 

MỚI - NÓNG