Trước đó, trong cuộc họp diễn ra vào hôm 22/6, tại Luxembourg, Ngoại trưởng các nước thuộc EU đã chính thức gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng.
Thông báo trên Twitter cá nhân, Phát ngôn viên Hội đồng châu Âu (EC), bà Susanne Kiefer cho biết, các Ngoại trưởng EU đã thông qua việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2016.
Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6/2014, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crimea và hạn chế xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải tại bán đảo này.
Trong khi đó, hãng Tass chiều ngày 24/6 dẫn nguồn tin từ điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh theo đệ trình của chính phủ nhằm đảm bảo an ninh cho Liên bang Nga, sau khi EU gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Theo đó, lệnh cấm được gia hạn thêm một năm kể từ ngày 24/6/2015.
Trong thông báo, điện Kremlin không nêu chi tiết nội dung được gia hạn của lệnh cấm, song trước đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko từng khẳng định trong xây dựng lệnh cấm Nga cần cân nhắc đến quan điểm của các nước có quan hệ kinh tế và chính trị tốt đẹp với Moscow.
Tuyên bố của điện Kremlin cho rằng, các biện pháp đáp trả này sẽ là định hướng tốt cho các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước của Nga.
Trước đó, sau khi EU thông báo việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Nga, Tổng thống Putin đã ngay lập tức chỉ thị Thủ tướng Dmitry Medvedev chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc đáp trả quyết định của EU.
“Chính phủ đã gửi yêu cầu về việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia EU. Và hôm nay, tôi đã ký sắc lệnh về việc gia hạn một số biện pháp kinh tế đặc biệt, nhằm đảm bảo vệ nền kinh tế Liên bang Nga”, Tổng thống Putin nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 24/6/2015.
Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng ngày cũng đảm bảo rằng “tất cả chỉ thị của Tổng thống đều sẽ được thực hiện ngay lập tức”.