Hãng Lenta chiều nay, 22/6, dẫn thông báo trên Twitter cá nhân của Phát ngôn viên Hội đồng châu Âu (EC), bà Susanne Kiefer cho biết, các Ngoại trưởng EU vừa chính thức thông qua việc kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/1/2016.
Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6/2014, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crimea và hạn chế xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải tại bán đảo này.
Trước đó, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) ngày 17/6, đại diện EC cho biết 28 quốc gia thành viên của EU tiếp tục lên án việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea và khu vực Sevastopol, cam kết duy trì thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận tính hợp pháp của sự kiện này, đồng thời cho biết sẽ phê chuẩn việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga mà không cần thảo luận.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các quan chức EU thảo luận việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk, được chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập nhất trí trong tháng 2/2015.
Quan chức EU nhấn mạnh hiện nay, các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn tại miền Đông Ukraine.
Tháng 3/2015, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga nếu thỏa thuận ngừng bắn không được thực thi đầy đủ.
Lệnh trừng phạt áp dụng cho các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga được EU đưa ra hồi tháng 7 năm ngoái, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Đây là phản ứng của EU với cáo buộc Moscow hỗ trợ phiến quân Đông Ukraine, khiến giao tranh tại nước này kéo dài suốt từ tháng 4/2014.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov hôm 17/6 cho biết Nga sẽ đáp trả một khi quyết định kéo dài lệnh trừng phạt Nga chính thức được EU thông qua.
Các nhà phân tích dự đoán Nga sẽ tăng cường lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ châu Âu.
Tháng 3/2014, bán đảo Crimea và khu vực Sevastopol đã chính thức sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân với tuyệt đại đa số người dân ủng hộ việc trở về với Nga.
Đáp lại sự kiện này, EU đã áp đặt một loạt biện pháp chống Nga, trong đó có việc phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU đối với những quan chức Nga bị cho là hậu thuẫn cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.