Nga chĩa tên lửa sang Trung Quốc

Hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M. Ảnh: Vitaly Kuzmin.
Hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M. Ảnh: Vitaly Kuzmin.
TP - Báo chí Nga đưa tin, một lữ đoàn tên lửa mặt đất của nước này tiếp nhận hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M (được gọi bằng thuật ngữ quân sự của Nga là hệ thống tên lửa chiến thuật-vận hành, viết tắt là OTRK). Đây là Lữ đoàn tên lửa số 3 mới được thành lập, đặt tại Quân khu miền Đông quy mô lớn của Nga.

Được thành lập tháng 12/2016, Lữ đoàn tên lửa số 3 ban đầu được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K79-1 Tochka-U đã cũ, sau đó trở thành lữ đoàn tên lửa thứ tư ở miền Đông được tái trang bị hệ thống Iskander-M theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga nhằm loại bỏ tất cả hệ thống Tochka-U vào năm 2020.

Ba lữ đoàn khác của quân khu này là Lữ đoàn số 107, 103 và 20 được trang bị các hệ thống Iskander-MOTRK lần lượt vào các năm 2013, 2015 và 2016. Đến nay, Quân khu miền Đông đang có nhiều lữ đoàn sở hữu Iskander-M hơn bất kỳ quân khu nào. Vậy mục đích của 4 lữ đoàn này là gì?

Trong khi nhiệm vụ của các hệ thống Iskander-M ở Quân khu miền tây của Nga là để đối phó nguy cơ từ Mỹ và các đồng minh ở khu vực biển Baltic và Ba Lan, các hệ thống ở Quân khu miền Đông có vẻ để phục vụ mục đích khác: tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của Nga trước Trung Quốc, ông Duy Plopsky, nhà nghiên cứu về không lực, các vấn đề quân sự của Nga và an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nhận định trong bài viết vừa đăng trên tạp chí The Diplomat.

Hệ thống Iskander-M ở vùng Kaliningrad cho phép Nga nhằm vào nhiều hệ thống vũ khí của NATO, như hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore ở Ba Lan, và hệ thống Iskander-M ở Viễn Đông có năng lực hạn chế trong việc đe dọa các lực lượng Mỹ được triển khai đến khu vực này.

Theo các nguồn tin Nga, các tên lửa gần như đạn đạo thuộc series 9M723 của hệ thống Iskander có tầm xa 400-500km, còn tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M728/R-500 có tầm xa dưới 500km. Điều này khiến hệ thống Iskander-M không thể phóng tên lửa đến đảo Hokkaido, nơi đang đặt các hệ thống vũ khí chủ chốt của Mỹ, cũng như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc.

Một ngoại lệ có thể là căn cứ không quân Misawa ở phía đông tỉnh Aomori (Nhật Bản). Nhưng tấn công mục tiêu này sẽ đòi hỏi phải đưa Iskander-M ra tận mũi phía nam đảo Kunashir thuộc quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc).

Phòng nguy cơ đối đầu

Nga không còn đặt lâu dài lữ đoàn tên lửa nào gần Nhật Bản như hồi Chiến tranh Lạnh. Hai lữ đoàn số 107 và 20 của Nga đóng tại khu tự trị Do Thái và vùng Primorsky Krai. Cả hai vùng này đều có biên giới với Trung Quốc. Primorsky Krai còn có 17km biên giới trên bộ với Triều Tiên, cho thấy mục tiêu chính của 2 lữ đoàn tên lửa ở miền viễn đông này là nhằm kiềm chế Trung Quốc và phản ứng với những tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên, giới quan sát nhận định.

Trong lúc đó, 2 lữ đoàn Iskander-M khác thuộc Quân khu miền Đông chủ yếu tập trung vào Trung Quốc. Lữ đoàn tên lửa số 103 được đặt tại Cộng hòa Buryatia thuộc Nga, nơi giáp biên giới với Mông Cổ. Còn Lữ đoàn tên lửa số 3 mới thành lập được đặt tại Gorny (còn được gọi là Chita-46) thuộc Zabaykalsky Krai, khu vực giáp với khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc.

Theo nhiều nhà phân tích, dù Nga thận trọng không nói lên quan ngại về Trung Quốc, nhưng ví dụ nổi bật nhất cho thấy sự bất an của Mátxcơva trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của nước láng giềng là những đợt tập trận của quân đội Nga ở khu vực miền Đông. TS Roger McDermott, nhà nghiên cứu cấp cao về quân sự Á-Âu tại Quỹ Jamstown (Mỹ), kết luận trong phân tích sâu về chiến dịch tập trận Vostok với sự tham gia của 100.000 quân nhân Nga: “Vostok 2014, giống như chiến dịch năm 2010, là ví dụ mạnh mẽ rằng Tổng Tư lệnh Nga tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga”.

Vì thế, việc đặt các hệ thống Iskander-M OTRK ở những khu vực giáp với Bộ Tư lệnh phía bắc của Trung Quốc là bước đi hợp logic dưới quan điểm của Nga. Các hệ thống Iskander-M OTRK có khả năng bắn đi nhiều loại vũ khí nên chúng đặc biệt thích hợp để đối phó các loại xe bọc thép và bộ binh của quân đội Trung Quốc trong trường hợp xảy ra đối đầu vũ trang.

Hơn nữa, Iskander-M cũng có khả năng bắn nhiều loại đầu đạn với độ chính xác tương đối cao mà Nga thường ca ngợi. Iskaner-M và các hệ thống tấn công tân tiến khác hiện diện trong nhiều chiến dịch tập trận ở miền Đông và trên khắp nước Nga có vẻ cho thấy Mátxcơva hiểu rằng khả năng tấn công chính xác phải đóng vai trò lớn hơn trong những chiến dịch quân sự trong tương lai, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang chủ động nâng cao năng lực tấn công chính xác của họ.

Khả năng phóng vũ khí hạt nhân của Iskaner-M cũng củng cố học thuyết “xuống thang” hạt nhân của Nga, nghĩa là đe dọa đáp trả bằng tấn công hạt nhân hạn chế để ngăn kẻ thù tấn công. Trong bối cảnh sức mạnh quân sự truyền thống của Nga bị cho là đang yếu hơn Trung Quốc thì các loại vũ khí hạt nhân, đặc biệt là những hệ thống phi chiến lược như Iskander-M có khả năng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc ngăn cản Trung Quốc, giới quan sát nhận định.

Theo Theo Diplomat
MỚI - NÓNG