Theo tạp chí Jane’s Intelligence Review số ra đầu tháng 6, loại vũ khí kể trên nằm trong dự án 4242. Theo đó, trong 5 năm qua, Nga đã âm thầm phát triển một loại vũ khí mang tên Yu-71. Vụ thử gần nhất của loại vũ khí này diễn ra vào tháng 2 vừa qua.
Các vụ thử vũ khí siêu thanh trước đây của Nga được thực hiện từ những năm 1980 nhằm đối phó với Sáng kiến Quốc phòng Chiến lược dưới thời Cựu Tổng thống Mỹ Reagan.
Yu-71 có thể được phát triển tại một căn cứ gần Yasny, tỉnh Orenburg, gần biên giới Nga – Kazakhstan.
Vũ khí siêu thanh khó có thể bị phát hiện và tiêu diệt bởi chúng di chuyển theo quỹ đạo không định trước với vận tốc lên tới 7.000 dặm/giờ.
Mark Schneider, cựu quan chức Lầu Năm góc từng sát sao theo dõi các chương trình vũ khí chiến lược của Nga cho rằng, phát triển các bom cánh tấn công và đầu đạn thông minh nằm trong các ưu tiên của Nga.
Những tiết lộ về chương trình vũ khí siêu thanh của Nga xuất hiện sau khi Trung Quốc xác nhận đã thực hiện vụ thử thứ 4 đối với vũ khí siêu thanh có cánh Wu-14 hồi đầu tháng ở miền Tây Trung Quốc.
Ông Schneider nhận xét: “Chương trình vũ khí siêu thanh Wu-14 của Trung Quốc có vẻ như đang thuận lợi hơn so với Nga dù cả hai đều nhằm triển khai hạt nhân”.
Mỹ cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh tiên tiến thuộc Chương trình Tấn Công Toàn cầu Chớp nhoáng, một chương trình phi hạt nhân giúp tấn công chính xác bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất trong thời gian tính bằng phút.
Trong khi đó, kế hoạch phát triển tên lửa siêu thanh của Nga có thể mang cả đầu đạn hạt nhân lần đầu đạn thông thường.
Có tin cho rằng, máy bay ném bom chiến lược tương lai của Nga, PAK DA sẽ được trang bị các tên lửa hành trình siêu thanh.
Tháng 8/2013, hãng thông tấn Novosti đưa tin, Nga đang hợp tác với Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ về tên lửa siêu thanh. Các công ty Nga tham gia gồm Tactical Missiles Corp. và NPO Mashinostroyenia. Cơ sở thử nghiệm động cơ siêu thanh được đặt tại Viện nghiên cứu Động cơ Hàng không Trung ương Nga.
Mục đích thực sự của Nga
Jane’s nhận xét: “Vụ thử tại căn cứ Dombarovsky hồi tháng 2/2015 cho thấy Nga đang tích cực theo đuổi chương trình vũ khí có cánh siêu thanh để mở rộng phạm vi tấn công tầm xa của Lực lược tên lửa chiến lược”.
Moscow có thể đang khai thác tính năng của vũ khí siêu thanh nhằm giành lợi thế đàm phán với Mỹ đối với việc hạn chế triển khai các hệ thống phòng không và Chương trình Tấn Công Toàn cầu Chớp nhoáng vốn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước vũ khí START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân) mới ký năm 2010.
Trong bài đăng trên báo Nezavisimaya Gazeta năm 2013, nhà phân tích Nga Alexander Shirokorad cho rằng, vũ khí siêu thanh có cánh là một lý do khiến Nga quyết định vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987, theo đó cấm chế tạo tên lửa tầm xa từ 500 – 5.500 km.
Cũng theo ông Shirokorad, “tên lửa đạn đạo tầm trung mới sẽ phá vỡ hệ thống phóng không bằng cách di chuyển lắt léo. Ngoài các mục tiêu mặt đất, các tên lửa đạn đạo tầm trung mới này của Nga sẽ có thể tấn công các mục tiêu hải quân như tàu sân bay, tàu tên lửa hành trình lớp Ticonderoga của Mỹ và thậm chí cả tàu ngầm”.