Theo đó, doanh trại quân đội này sẽ được xây dựng trên Hành lang Wakhan hẻo lánh và núi non hiểm trở của Afghanistan.
Lo sợ phiến quân xâm nhập lãnh thổ
Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở Nam Á. Với tiềm năng gây bất ổn khu vực của Afghanistan, giới phân tích cho rằng bất cứ động thái nào ở đó cũng sẽ được soi qua lăng kính an ninh. Bắc Kinh lo ngại các thành viên Duy Ngô Nhĩ lưu vong trong Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) sẽ tràn qua Wakhan để vào Tân Cương tiến hành các vụ tấn công.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, phiến quân thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang bỏ chạy khỏi Iraq và Syria có thể vượt qua Trung Á và Tân Cương để tới Afghanistan, hoặc sử dụng Wakhan để vào Trung Quốc.
Phó phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan Mohammad Radmanesh cho biết, các quan chức Afghanistan và Trung Quốc hồi tháng 12/2017 đã thảo luận về kế hoạch mở căn cứ quân sự trên tại Bắc Kinh, tuy nhiên chi tiết về kế hoạch vẫn chưa được làm rõ. Ông mới đây tiết lộ rằng, “chúng tôi sẽ xây dựng (căn cứ đó), phía Chính phủ Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ về phần tài chính, cung cấp thiết bị và huấn luyện binh lính Afghanistan”.
Một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul chỉ tiết lộ rằng, Bắc Kinh đang tham gia “xây dựng năng lực” ở Afghanistan.
Mặc dù phía Trung Quốc liên tục bác bỏ kế hoạch mở căn cứ quân sự trên, song người dân thiểu số ở Wakhan khẳng định đã chứng kiến Trung Quốc và Afghanistan tiến hành tuần tra quân sự chung trong nhiều tháng. Họ cho biết, quân đội Afghanistan đã đến khu vực này trước vài ngày trong mùa Hè năm 2016 và thông báo với người dân địa phương rằng quân đội Trung Quốc sẽ đến đây, đồng thời yêu cầu người dân không được tới gần, chụp ảnh cũng như nói chuyện với lực lượng này. Sau đó, quân đội Trung Quốc xuất hiện và tiến hành tuần tra chung với quân đội Afghanistan. Được biết, quân đội Trung Quốc đã lưu lại đây gần một năm trước khi rời khỏi Wakhan vào tháng 3/2017.
Lợi ích kinh tế và địa chính trị
Chuyên gia Ahmad Bilal Khalil thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và khu vực có trụ sở ở Kabul nhận định, Trung Quốc lo sợ phiến quân có thể đe dọa những lợi ích kinh tế đang lên của nước này trong khu vực. Ông nói: “Họ cần phải có một Afghanistan an toàn”. Ước tính Bắc Kinh đã cung cấp cho Kabul hơn 70 triệu USD tiền viện trợ quân sự trong 3 năm qua. Gần đây Bắc Kinh đã đánh dấu khả năng gộp Afghanistan vào Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá 54 tỷ USD nối miền Tây Trung Quốc với Ấn Độ Dương đi qua Pakistan
Chuyên gia phân tích chính trị Willy Lam ở Hong Kong nhận định: “Động cơ chống khủng bố là một phần quan trọng song không quan trọng bằng động cơ lớn hơn nhằm thúc đẩy CPEC”.
Theo ông Bashir Bijan, chuyên gia về các vấn đề chính trị của Afghanistan, ngoài việc lo sợ sự xâm nhập của các nhóm khủng bố đang hoạt động ở Afghanistan, Trung Quốc còn lo ngại về sự hiện diện cũng như mục đích của Mỹ tại Afghanistan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng theo đuổi các mục tiêu kinh tế. Theo ông, Afghanistan là một trong những nước láng giềng mà Trung Quốc có mối quan hệ lâu đời và đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan.
Ông Andrew Small – tác giả cuốn Trục Trung Quốc-Pakistan, cho rằng Afghanistan muốn Bắc Kinh đóng “vai trò tích cực hơn” và hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng mối “quan hệ đặc biệt” của nước này với Islamabad để khuyến khích quân đội Pakistan – nước có sự ảnh hưởng lớn đối với quân nổi dậy Afghanistan - “buộc Taliban phải tham gia hòa đàm”. Ông kết luận: “Cuối cùng, Trung Quốc luôn có sức mạnh tài chính lớn hơn bất cứ nước nào. Vì vậy việc có được sự can dự của nước này ... có thể chấm dứt được tình trạng nguy kịch đang diễn ra đối với khả năng kinh tế cơ bản của (Afghanistan)”.