Tàu nghiên cứu Trung Quốc bị nghi hoạt động núp bóng

Philippines từng lên tiếng cảnh báo trước tình trạng một số tàu Trung Quốc đi vào vùng Benham Rise thuộc thềm lục địa của Philippines mà không xin phép. Ảnh: Philstar.
Philippines từng lên tiếng cảnh báo trước tình trạng một số tàu Trung Quốc đi vào vùng Benham Rise thuộc thềm lục địa của Philippines mà không xin phép. Ảnh: Philstar.
TP - Việc một tàu của Trung Quốc được chính phủ Philippines cấp phép vào nghiên cứu một vùng đáy biển có tầm quan trọng chiến lược của Philippines trong tuần này đang làm dấy lên nhiều quan ngại của giới nghiên cứu và làm luật Philippines. Họ cho rằng, có thể con tàu đang khảo sát tuyến đường thay thế cho các tàu ngầm của Trung Quốc trong trường hợp có chiến sự.

Con tàu mang tên Ke Xue của Trung Quốc neo đậu ở thị trấn Santa Ana xa xôi của tỉnh Cagayan vào cuối tuần qua để đón một nhà nghiên cứu người Philippines đi tháp tùng con tàu đến Benham Rise, một vùng cao nguyên dưới đáy biển rộng 13 triệu hecta cách bờ biển Luzon của Philippines 250km và được gọi tên là Philippines Rise. 

Các nghị sĩ Philippines kêu gọi quốc hội nước này mở cuộc điều tra chương trình nghiên cứu này. Một cố vấn an ninh quốc gia Philippines nói rằng, chuyến nghiên cứu có tính lưỡng dụng và có thể sử dụng vào mục đích quân sự. Năm 2012, vùng Benham Rise được công nhận là một phần của thềm lục địa Philippines, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Nhiều quan ngại

GS Jay Batongbacal, công tác tại Viện Luật Biển và các vấn đề biển thuộc ĐH Philippines, người góp công dẫn đến việc công nhận Benham Rise thuộc thềm lục địa Philippines, cho rằng các tàu Trung Quốc đi vào khu vực này “là vấn đề đáng quan ngại” vì họ từng nhiều lần làm như vậy mà không xin phép, không có sự tham gia của Philippines. “Theo UNLCOS, Philippines có quyền tài phán duy nhất trong việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”, ông nói. 

Dù tàu Ke Xue đã được Văn phòng Tổng thống Rodrigo Duterte cấp phép đến vùng Benham Rise để “đo nhiệt độ, độ mặn và các dòng hải lưu” trong khu vực để phục vụ hoạt động nghiên cứu của Viện Hải dương học Trung Quốc, nhưng đây là tàu Trung Quốc đầu tiên từng xin phép làm như vậy. Những chuyến đi không được cấp phép của các tàu Trung Quốc vào vùng biển này từng khiến Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra cảnh báo nghiêm khắc vào tháng 3 năm ngoái. Ông Lorenzana nói rằng, ông nghĩ những con tàu đó có thể đang khảo sát các tuyến tàu ngầm và ông đã hạ lệnh xua chúng đi.

Ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Philippines, bảo vệ quyết định cấp phép cho tàu Ke Xue. Ông nói: “Đến nay chỉ có Trung Quốc đủ tiêu chuẩn (thực hiện nghiên cứu ở đó)…vì rõ ràng là họ đầu tư nhiều vốn”. Ông Roque nói rằng, Trung Quốc cũng đồng ý để một nhà nghiên cứu người Philippines lên tàu trong đợt khảo sát này. 

Nhưng GS Batongbacal phản bác quyết định của chính phủ. Ông cho rằng, các nhà khoa học Philippines hoạt động bằng ngân sách của chính phủ đã nghiên cứu thành công khu vực này. Ông cũng cho rằng, việc để tàu Trung Quốc vào khu vực tạo nên rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Mối lo ngại này cũng được ông Roilo Golez, một cựu cố vấn an ninh quốc gia kiêm sĩ quan hải quân, lên tiếng cảnh báo. Ông Golez nói rằng, việc để Trung Quốc đi vào vùng Benham Rise rất đáng báo động vì hoạt động nghiên cứu của họ “có tính lưỡng dụng và bất kỳ dữ liệu nào họ thu được cũng có thể sử dụng vào mục đích quân sự”. Ông cũng nói rằng, khu vực Benham Rise có thể trở thành một tuyến đường thay thế cho các tàu ngầm Trung Quốc đi qua chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Tuyến hiện tại qua kênh Bashi, nằm giữa Đài Loan và đảo Luzon, hơi hẹp, ông Golez nói. 

Theo cựu cố vấn, cựu nghị sĩ Golez, việc nghiên cứu nhiệt độ nước biển ở khu vực sẽ giúp Trung Quốc xác định cấu trúc dị biệt nhiệt - lớp nằm giữa nước bề mặt biển ấm áp và lớp nước lạnh dưới đáy biển - ở vùng Benham Rise. “Lớp dị biệt nhiệt là nơi nhiệt độ có thể xuống đột ngột từ 25 độ C xuống gần 0 độ C. Điều đó rất hữu ích cho chiến tranh tàu ngầm. Ngay dưới lớp dị biệt nhiệt, một tàu ngầm có thể giấu mình vì tín hiệu sonar không thể xâm nhập lớp dị nhiệt. Nếu tôi đúng, dữ liệu họ thu được sẽ giúp họ hiểu được vùng Benham Rise như một khu vực có thể xảy ra xung đột trong tương lai”, ông Golez nói.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.