Ký ức tươi nguyên
Trong khoảng 5 năm sau đó, tôi chia tay nhiều bạn học. Bố chúng vốn là cán bộ tập kết, đã đến lúc trở về xây dựng quê hương, trùng phùng họ mạc. Có đứa không được theo bố, chỉ có thể đi chơi rồi trở ra vì mẹ nó là phận vợ hai. Người vợ đầu đang nóng lòng đợi bố nó sau nhiều năm đằng đẵng. Nó đi những đôi dép xăng đan tuyệt đẹp và mặc những chiếc quần sơ-vi-ốt, quần “pho” đủ màu nhìn bắt thèm, bố nó và họ hàng trong Nam tặng cho sau mỗi chuyến vào thăm.
Đứa bạn tên Hương hồn nhiên kể: “Vào Sài Gòn, họ hàng hỏi thích ăn gì để chiêu đãi, bố tớ nói đùa, tôi chỉ thích cua bể” (tức là bê của). Những chuyện tương tự thế này- kiểu “ti vi tủ lạnh chạy đầy đường”, “miền Nam nhận họ miền Bắc nhận hàng” từng là đề tài chế giễu lẫn nhau. Nhưng một khi tự cười mình nghĩa là người ta đã mạnh lên rồi.
Sài Gòn thật quá lạ, kể cả ngày không hết! Rộng lớn, lung linh, nhà nào cũng ti vi tủ lạnh máy khâu, mỗi tội nhiều thứ giả lắm. Các cô gái đi ngoài đường, không biết đâu là mông thật mông giả, ngực thật ngực giả, muốn thử phải châm lút đầu kim. Đại loại thế. Thuận, cô bạn gái xinh, bé tí đã nói như bà cụ: “Chắc tớ phải chuyển vào trong kia thôi. Ngoài này đến cuộn bông băng cũng khó kiếm, thế mà chúng mình cũng sống được nhỉ”.
Đất nước trọn niềm vui nhưng sợ nhất là an phận với đói nghèo tụt hậu.
Đời sống văn học nở rộ truyện ngắn truyện dài tố cáo tội ác của Mỹ ngụy với đồng bào ta. Tôi còn nhớ một truyện dài thiếu nhi tên là Chuyện xã tôi, đọc mà lửa căm hờn ngùn ngụt. Những tiểu thuyết giá trị hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi... thì khỏi nói, nhà trường không bắt học cũng làu làu từng chi tiết. Một số cuốn nổi nổi khác bây giờ ít được nhắc hơn: Dòng sông phẳng lặng (Tô Nhuận Vỹ), Thúy (Hà Khánh Linh), Cây thông non (Nguyễn Thị Như Trang)...Truyện tình báo nội “hot” nhất là X30 phá lưới, Miền đất lạ, Bông hồng trắng, Phá bẫy... Sang thập kỷ 80 thì Nguyễn Mạnh Tuấn thống lĩnh văn đàn với Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm.
Tối thứ bảy nào cũng ngồi trước màn hình ti vi đen trắng nhà mình hoặc hàng xóm để xem cải lương, của Đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Đoàn kịch nói Kim Cương, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang... Nhớ lần đang xem Tiếng trống Mê Linh có Thanh Nga đóng vai Trưng Trắc lừng lẫy thì vở diễn bị ngừng đột ngột, phát thanh viên hiện ra tuyên bố “tin quan trọng”. Có khán giả reo: Thanh Nga sống lại! (Thanh Nga mới bị sát hại, ti vi phát đi phát lại các vở của bà). Hóa ra tin tối quan trọng đó là quân tình nguyện Việt Nam đã tiêu diệt bè lũ Pol Pot Yeng Xa-ry, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Về sau, không còn quan tâm cải lương vì không ai sánh được các ngôi sao thời ấy: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Tô Kim Hồng, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Hoài Thanh... Họ đã khiến những buổi tối thứ bảy của xóm nhỏ chúng tôi trở nên đáng mong chờ thực sự.
Trong điện ảnh, những câu chuyện mới mẻ bối cảnh phía Nam với các gương mặt diễn viên của vùng đất đó, rất thiêng với khán giả miền Bắc. Rồi diễn viên miền Bắc lại vào vai, lồng tiếng miền Nam, cảm giác màn ảnh tràn đầy sức sống mới. Hai giọng nói chuẩn Sài Gòn, cực kỳ sang trọng, đẹp nhất màn bạc là Chánh Tín và Tú Trinh. Chánh Tín luôn được giữ nguyên giọng thật trên phim, y như minh tinh Tom Hanks của Mỹ, còn nữ diễn viên Tú Trinh đóng không nhiều nhưng lồng tiếng vô số phim.
Một số người đặt giả thiết giá mà miền Bắc miền Nam ai ở đâu cứ ở đấy, “như Bắc Hàn và Nam Hàn”. Sẽ ra sao nếu thế?
Ừ, sẽ ra sao? Nếu không có cái ngày 30 tháng tư đặc biệt đó, thì không có những cuộc dịch chuyển Bắc Nam rúng động mọi phương diện kinh tế văn hóa xã hội. Ban đầu cũng đầy bỡ ngỡ ngờ vực nhưng chắc chắn không thể tồi hơn là chia cắt lòng người, chia cắt địa lý.
Chỉ một khu vực văn hóa văn nghệ thôi chẳng hạn. Nếu không có ngày 30 tháng tư 1975, thì làm sao những người “Sài Gòn cũ” như Minh Hạnh trên kia, dồn hết tài năng, tâm huyết làm nên những đại sự kiện (không chỉ thời trang) cho Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Minh Hạnh ước ao tổ chức những lễ hội áo dài trên nền đại cảnh bố cục lạ lẫm và nền nhạc Con đường cái quan của Phạm Duy. Thật đẹp, thật ý nghĩa. Trên báo Tiền Phong, Phạm Duy phát biểu khi lần đầu về nước làm đêm nhạc: “Thế là chấm dứt cuộc đi hoang dằng dặc”. Ông cũng có cuộc trở về xứng tầm nghệ sĩ lớn sau mấy chục năm “đi hoang”.
Nếu ai ở đâu cứ ở đấy, thì làm gì có những ông “Bắc kỳ gộc” như Trần Tiến và nhiều nhạc sĩ Nam tiến khác, không chỉ viết hay về Thành phố trẻ như sự tri ân nơi này. Thành công của họ cũng chính là giá trị của nền âm nhạc Việt Nam không còn chia ly cách trở. Nhiều tình bạn đẹp nở hoa kết trái giữa các nghệ sĩ Bắc-Nam, là giai thoại trong lòng công chúng: Trịnh Công Sơn- Văn Cao; Hồng Đăng- Trịnh Công Sơn..v..v...Ừ, sẽ ra sao? Nếu không có cái ngày 30 tháng tư đặc biệt đó, thì không có những cuộc dịch chuyển Bắc Nam rúng động mọi phương diện kinh tế văn hóa xã hội. Ban đầu cũng đầy bỡ ngỡ ngờ vực nhưng chắc chắn không thể tồi hơn là chia cắt lòng người, chia cắt địa lý.
Nếu không có ngày đó, làm gì có những Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Thanh Tùng..., mà tài năng và số phận có khúc ngoặt tuyệt vời từ ngày được tắm lại con sông quê hương. Ca khúc rất hay Tình ca đất nước của Phan Nhân bắt đầu bằng câu: Rằng đã về ta, cỏ cây sông núi ruộng đồng. Cửu Long sông Hồng thỏa bao chờ mong/ Rằng đã hồi sinh tình yêu non nước hòa bình/ Việt Nam tưng bừng khúc ca bình minh.
Nếu không có ngày đó, chắc gì có một Trịnh Công Sơn dù oan khuất buổi ban đầu song đến giờ vẫn một vị trí sừng sững trong lòng người mộ điệu “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”. Thử tưởng tượng nếu ra nước ngoài sinh sống, ông có được là ông?
Năm 1993 công tác biệt phái vào Sài Gòn, nhận ra rằng không phải người miền Nam nào cũng phóng khoáng “anh Hai”, cũng như không phải người Hà Nội nào cũng mồm miệng đỡ chân tay. Tôi thích kiểu Nam Bộ xịn như nhà văn Sơn Nam mà tôi gặp hồi đó. Tôi cũng ấn tượng ngòi bút Lê Văn Nghĩa hiện đại khi cầm trịch tờ Tuổi trẻ cười lại cư xử khá “cổ” kiểu Sài Gòn xưa, đúng như sách anh viết cho thiếu nhi. Năm kia, tôi viết loạt bài Bệnh nhân thanh lọc cơ thể kể chuyện, vừa tự trào vừa cảnh báo phong trào Detox của chị em. Anh Nghĩa vốn chỉ biết tôi sơ sơ, gọi điện hỏi thăm trịnh trọng: “Cô đã khỏe hẳn chưa cô, tôi có đọc cả ba kỳ thú vị”. Bạn bè, họ hàng thân thuộc nhiều khi biết mình “qua đẹp” một tai nạn nào đó là cũng khỏi hỏi thăm luôn.
Hồi đó, năm 1993 đi biệt phái, tôi ở tại ban đại diện của báo, một ngôi nhà mà tôi đùa là “xấu nhất Sài Gòn” nằm ở chân cầu Công Lý, nghe nói của một sĩ quan quân đội Sài Gòn bỏ lại trước khi tháo chạy. Nhà này xây rất oái oăm kiểu nhà bát quái, được giải thích là để phòng khi bị Việt cộng thăm hỏi. Tôi hỏi chị Ánh người Nam Bộ, nhân viên của báo: “Trong này còn kỳ thị Bắc kỳ không” “Không dám đâu”. (Hồi đó dân Sài Gòn có mốt nói “không dám đâu”). Tôi biết mình không hợp sống một nơi ồn ào như Sài Gòn. Đà Lạt thích hơn nhiều. Tôi cũng không hợp nhiều thứ khác ở đây. Nhưng nếu không có ngày 30 tháng tư năm 1975 thì không hiểu tôi và chúng ta sẽ ra sao.
Sài Gòn hôm nay bất an, cướp bóc nhiều đến thế là điều đau xót, ngạc nhiên của mọi người. Hay vùng đất đặc biệt thì nó phải thế. Cũng như vùng biên hay có ma túy, buôn lậu. Tôi thích cách Bí thư Đinh La Thăng quyết tâm đưa Sài Gòn trở lại địa vị “Hòn ngọc Viễn Đông”.