Trả lời báo chí, nhiều cựu quan chức cho biết đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa thấy ai có trách nhiệm lên tiếng đòi nhà. Đại loại là các vị này đều khẳng định, nếu Nhà nước ra quyết định thu hồi sẽ trả ngay, còn chưa thì vẫn cứ để cho con cháu sử dụng, có sao đâu?
Thực ra theo quy định của pháp luật về nhà ở công vụ, khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi ở khác hay nghỉ công tác phải trả lại nhà cho Nhà nước. Như vậy, chiểu theo pháp luật đương nhiên các vị đã nghỉ hưu hoặc chuyển nơi ở khác phải tự giác trả lại nhà công vụ, chứ không thể tự động chuyển cho con cháu dùng hết năm này qua năm khác được. Còn với cái lý “chưa thấy ai đòi thì chưa trả” của các vị, trộm nghĩ nếu toàn dân mà “noi gương” các vị thì nguy! Bởi trong xã hội, sở dĩ luật pháp được thực thi, được tôn trọng vì dựa trên yếu tố hàng đầu là tính tự giác chấp hành của mỗi công dân. Chưa kể, với chừng ấy căn hộ và nhà ở công vụ mà các vị quan chức đã nghỉ hưu chưa trả, về lý thuyết ngân sách Nhà nước sẽ tốn một khoản không nhỏ để xây những nhà ở công vụ khác cho những người kế vị.
Và do đó, rất có thể sẽ có những nhà trẻ, bệnh viện công chưa thể mọc lên chính vì những cái lý kiểu như “chưa thấy ai đòi thì chưa trả” này.
Nhưng cũng phải kể tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà công vụ, vì sao chưa thấy cơ quan nào yêu cầu các cựu quan chức trả lại nhà công vụ? Liệu có sự nể nang hay vướng víu gì không? Để tình trạng có tới 59/80 căn hộ tại một khu nhà công vụ đang bị sử dụng sai mục đích như hiện nay có trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan này.
Xét cho cùng, quan chức một khi đã nghỉ hưu mà còn giữ nhà công vụ khác nào biến việc công thành việc tư? Làm cán bộ, lãnh đạo, theo Bác dạy là công bộc của dân, phải luôn gương mẫu để quần chúng noi theo. Xã hội có kỷ cương, ngăn nắp hay không, một phần không nhỏ chính là nhờ sự nêu gương của các vị.