Nepal: Cậu bé có bốn chân, bốn tay

Nepal: Cậu bé có bốn chân, bốn tay
TP - Hàng ngàn người hiếu kỳ đang đổ đến ngôi làng thuộc vùng núi xa xôi ở Nepal để thấy tận mắt cậu bé dị hình có tới bốn chân, bốn tay.
Nepal: Cậu bé có bốn chân, bốn tay ảnh 1
Risab - Ảnh: Bild

Bố mẹ của Risab tâm sự, họ lo sợ vì một số người xem Risab như một tai ương với bằng chứng cụ thể là mùa mưa ở đây đến muộn hơn thường lệ.

Januk Ghimire, bà mẹ 32 tuổi của cậu bé dị hình, nói việc chăm sóc cho cậu con trai thứ ba này rất khó khăn, kể cả với việc đơn giản như tắm rửa, ru ngủ.

Với nhiều người địa phương, Risab được xem như một phép màu và được kính trọng như một sự đầu thai của vị thần Ganesh trong đạo Hindu thường có từ hai đến 16 tay.

“Khoảng 5.000 người đã tới đây bằng xe buýt hoặc đi bộ”, Prem KC, giáo viên địa phương, cho biết. Khi tin tức lan rộng, mỗi ngày có khoảng 100 người tới làng để xem cậu bé.

“Một số người nói tôi là cha của vị thần. Họ tới để thờ phụng và đưa tiền cho con trai tôi. Họ chỉ đưa vài rupee để nguyện cầu điều gì đó. Thỉnh thoảng họ cho quần áo và thức ăn”, Rikhi Ghimire, 32 tuổi, nông dân và là cha cậu bé, cho biết.

Ông Rikhi nói đã đưa con trai tới bệnh viện ở Kathmandu, nơi các bác sĩ cam kết sẽ chăm sóc cậu bé trong sáu tháng. Tuy nhiên, ông Rikhi không có điều kiện để ở lại thành phố và phải trở về nhà để làm ruộng kiếm sống.

Ông Rikhi muốn con trai mình được phẫu thuật để có cuộc sống bình thường, nhưng điều này đang là giấc mơ với hoàn cảnh gia đình hiện nay. Bác sĩ Sujan Patan ở bệnh viện trường đại học ở Kathmandu nói đây là trường hợp đầu tiên ông nhìn thấy, nhưng có thể phẫu thuật.

Ghimire tâm sự, chị bị đau dữ dội trong suốt năm ngày trước khi sinh Risab. “Khi mang thai tôi đã cảm thấy điều bất thường và rất sợ hãi không phải bởi chồng và những người khác trong gia đình mà là với hàng xóm. Họ có thể nói tôi sinh ra phù thủy và giết tôi”.

Trên thực tế, hầu hết dân làng cho rằng đây là thần thánh và nói với Ghimire nên chấp nhận và đối xử tốt với đứa con dị hình. Tuy nhiên, thầy tu đạo Hindu Sher Bahadur Bodathorki ở địa phương tin rằng cậu bé mang lại điềm gở cho làng và đây là lý do dẫn tới việc mùa mưa năm nay đến muộn. “Nông dân không thể làm nông nghiệp vì cậu bé”, thầy tu nói. Tại vùng nông thôn Nepal, mưa là yếu tố sống còn cho nghề nông.

D.H
Theo BBC, Guardian

MỚI - NÓNG