Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Hoàng Ngân:

Nền kinh tế phải hướng ra biển

Cần có nguồn vốn đầu tư đóng tàu lớn cho ngư dân đánh bắt, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển. Ảnh: Nam Cường.
Cần có nguồn vốn đầu tư đóng tàu lớn cho ngư dân đánh bắt, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển. Ảnh: Nam Cường.
TP - Trả lời Tiền Phong, đại biểu QH Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, cần có chính sách kinh tế linh hoạt với nhiều kịch bản khác nhau. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ để ngư dân vươn khơi, bám biển tốt hơn”.

Ông Trần Hoàng Ngân cho biết: Nền kinh tế nước ta đang đi đúng hướng, tuy tốc độ tăng trưởng gần đây có chậm lại. Kinh tế vĩ mô khá ổn định, vững chắc, chỉ số ICOR được cải thiện tốt, dự trữ ngoại hối, tỷ giá ổn định, hệ thống ngân hàng bước đầu tái cơ cấu thành công, tăng trưởng đầu năm nay khá tốt. Nhưng nền kinh tế còn nhiều khiếm khuyết, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; bội chi còn lớn, chi vượt dự toán, lãng phí tiêu cực còn lớn...

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, tình hình biển Đông, đặc biệt là mưu đồ thực hiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Mưu đồ ấy không còn trên giấy, không phải chỉ là thông điệp bằng lời mà đã thành hành động. Thực tế, Trung Quốc đã chuyển giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Cho nên tình hình ấy đòi hỏi chúng ta phải có đối sách thích hợp, có giải pháp phải toàn diện, khôn ngoan.

Đặt nền kinh tế trong trạng thái Động

Theo ông, chúng ta cần đối sách phát triển kinh tế như thế nào để ổn định, phát triển và quan trọng là không bị động?

Lúc này cần có nhiều kịch bản kinh tế để ứng phó với tình hình. Về quốc phòng, an ninh, tôi tin tưởng hoàn toàn đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Còn về kinh tế, phải đặt nền kinh tế trong trạng thái động, tức là các quyết sách có thể thay đổi linh hoạt. Ví dụ có những dự án đã phê duyệt rồi, có thể dừng lại, chuyển sang dự án khác cần kíp hơn, phục vụ mục tiêu kinh tế gắn với quốc phòng, bảo vệ chủ quyền. Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, thậm chí họ đưa tiếp một giàn khoan nữa tới, chúng ta sẽ làm gì? Hay kịch bản là Trung Quốc sử dụng công cụ thương mại, gây áp lực về xuất, nhập khẩu đối với Việt Nam, những cái đó phải có kịch bản, không để bị động.

Một trong những yếu kém hiện nay chính là nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, và chúng ta cũng chưa phát huy hết nội lực?

Phải huy động, tạo sự đồng thuận trong dân. Thời gian qua, tinh thần yêu nước lên rất cao nhưng còn có những bức xúc của dân đối với công tác điều hành. Các bộ ngành, cán bộ, công chức phải làm việc nhiều hơn, tốt hơn để giải quyết nhanh bức xúc của dân, như báo cáo kiến nghị cử tri vừa gửi đến Quốc hội. Những bức bối, đặc biệt là nạn tham nhũng, lãng phí quan liêu, hành dân cần được giải quyết, để lấy lại lòng tin trong nhân dân. Phải giải quyết có hiệu quả đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại do hành vi quá khích thời gian qua để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Hơn lúc nào hết, chi ngân sách phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế tối đa những khoản chi không cần thiết.

Đóng tàu lớn cho ngư dân

Nhiều ĐB cho rằng, nền kinh tế của chúng ta nên hướng ra biển. Cần đóng những tàu lớn, có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân bám biển, vươn khơi?

Nền kinh tế phải hướng ra biển ảnh 1 Đại biểu QH Trần Hoàng Ngân

Quốc hội cần có sự quan tâm đặc biệt về nông nghiệp, nông dân. Đảm bảo để nông nghiệp phát triển bền vững. Làm sao cho nông dân thực sự thoát nghèo.

Đối với ngư dân, chính lúc này đây, chúng ta phải có sự quan tâm đặc biệt hơn. Thật đau xót, ngư dân vẫn đang bị tàu Trung Quốc chèn ép, xua đuổi trong khi họ bám biển vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa mưu sinh, đóng góp cho nền kinh tế. Chúng ta phải có nguồn kinh phí, đóng một đội tàu sắt, công suất lớn để giúp ngư dân làm kinh tế, cùng với Cảnh sát biển, Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền.

Để hỗ trợ ngư dân, theo ông Quốc hội có nên ra nghị quyết riêng về vấn đề này?

Như tôi nói, cần có nguồn đầu tư đóng đội tàu lớn cho ngư dân thuê mượn hoặc giao để khai thác và chia lợi nhuận với đơn vị quản lý. Đơn vị này là sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh hoặc ngành dầu khí – vốn đang hưởng lợi trực tiếp từ biển. Ngành dầu khí có thể hình thành những đội tàu biển như vậy, thay vì đầu tư taxi dầu khí thì chuyển sang taxi tàu. Mấy năm qua, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng cho biết, ngành tiết kiệm được 35 nghìn tỷ đồng, các bộ ngành khác nên học tập, tiết kiệm tạo nguồn lực đầu tư cho ngư dân. Những chương trình như thế, chúng tôi đã và sẽ phát biểu tại Quốc hội.

Cảm ơn ông!

Hỗ trợ ngư dân mạnh hơn

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, chu trương xuyên suốt của chúng ta là kinh tế phải luôn gắn với quốc phòng, an ninh. Chỉ khi nào đảm bảo được chủ quyền thì kinh tế mới phát triển. Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ cần có giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân, bởi ngư dân là những cột mốc chủ quyền sống trên biển.

H. Phúc (ghi)

MỚI - NÓNG
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
TPO - Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội) bị hư hỏng khá lớn do cây đổ vào khi bão YAGI đổ bộ. Tượng đài là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường, anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với chiến công của quân dân Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu những ngày mùa đông năm 1946.