Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Nên hợp tác quốc tế để tìm độc tố làm chết cá

Hàng trăm con thuyền đánh cá của ngư dân thôn Ba Đồng, Kỳ Lợi (Hà Tĩnh) nằm gác bờ hơn chục ngày nay (ảnh lớn). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi các hộ dân nuôi trồng bị thiệt hại tại TX Kỳ Anh (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Thùy.
Hàng trăm con thuyền đánh cá của ngư dân thôn Ba Đồng, Kỳ Lợi (Hà Tĩnh) nằm gác bờ hơn chục ngày nay (ảnh lớn). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi các hộ dân nuôi trồng bị thiệt hại tại TX Kỳ Anh (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Thùy.
TP - Hôm qua, 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát tình hình thiệt hại của người dân tại hai xã Kỳ Hà và Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng cho rằng nên hợp tác quốc tế để tìm độc tố khiến cá chết.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thống kê đúng, đầy đủ thiệt hại của các hộ sản xuất. “Phải chủ động, kịp thời thăm hỏi bà con, hỗ trợ những gia đình khó khăn, hộ nghèo, thiệt hại nặng, không sản xuất được để bà con ổn định cuộc sống. Hộ nào vay vốn ngân hàng đầu tư nhưng thiệt hại, không có khả năng thanh toán thì cần hỗ trợ trước cho bà con. Làm gì thì làm nhưng dân phải có lợi”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo hai bộ TN&MT, NN&PTNT nói vẫn đang tìm nguyên nhân khiến cá chết. “Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói. Để dư luận cũng như người dân yên tâm bám biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nên hợp tác quốc tế để tìm ra nguyên nhân. “Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ”, Phó Thủ tướng nói.

“Vấn đề này Bộ TN&MT có làm được không hay cần phải thuê chuyên gia nước ngoài. Đã quan trắc tại các vị trí các nhà máy, cơ sở sản xuất của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT - Huế đầy đủ chưa, chính xác chưa, đã kiểm tra thường xuyên, đã nối mạng để cơ quan nhà nước quản lý, cung cấp cho chúng ta số liệu chính xác chưa?”. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Trong nhiều ngày qua, trước sự nghi vấn các nhà máy xả chất thải ra biển khiến cá chết, Phó Thủ tướng đặt vấn đề làm thế nào xác định được trong nước biển có độc tố liên quan đến đơn vị A, B, C... “Vấn đề này Bộ TN&MT có làm được không hay cần phải thuê chuyên gia nước ngoài. Đã quan trắc tại các vị trí các nhà máy, cơ sở sản xuất của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT - Huế đầy đủ chưa, chính xác chưa, đã kiểm tra thường xuyên, đã nối mạng để cơ quan nhà nước quản lý, cung cấp cho chúng ta số liệu chính xác chưa?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, việc cá chết bất thường diện rộng gây ra sự bất ổn trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác của ngư dân. Đặc biệt gây tâm lý hoang mang trong việc sử dụng hải sản ở khu vực này. “Ngay khi xuất hiện tình trạng cá chết, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc kịp thời, sau đó các bộ cùng địa phương cũng đã kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, mong muốn sớm có kết luận, khắc phục hậu quả tình trạng trên, giúp người dân ổn định đời sống. Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể bằng điện thoại, công điện. Thủ tướng cũng rất quyết liệt, yêu cầu làm đến nơi đến chốn. Nói như vậy để thấy rằng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Nên hợp tác quốc tế để tìm độc tố làm chết cá ảnh 1

Ngư dân Lê Hoài Lan mong muốn trở lại biển.

Ngư dân đánh cá trở lại

Nằm cách QL 1A vài trăm mét, con đường nhựa kéo xuống âu thuyền của thôn Ba Đồng, nơi có hơn 200 hộ dân làm nghề đánh cá thưa thớt người qua lại. Hàng trăm chiếc thuyền đánh cá vùng lộng nằm san sát trên bờ. Từng đống lưới được người dân cẩn thận gói gọn, nhiều vật dụng trên thuyền được đưa về nhà nhiều ngày nay.

“Cứ đà này dân chết đói mất. Cá không còn chết nữa nhưng đi đánh về có bán được đâu”, ngư dân Lê Hoài Lan nói. Gia đình ông Lan có 6 người con, kinh tế chỉ biết trông vào chiếc thuyền đánh cá. Vậy nhưng hơn chục ngày trời thuyền nằm gác bờ làm cho cuộc sống gia đình đảo lộn. “Bốn đứa con ăn học, một đứa bệnh nằm một nơi. Ngày ngày hai bố con đi biển còn có đồng ra đồng vào. Giờ cả gia đình không biết trông đợi vào đâu nữa”, ông Lan nói.

“Nghe nhiều người lặn biển ở đây cho biết khi lặn xuống tầng đáy phát hiện cá chết nhiều lắm”, ngư dân Mai Thế Lực nói. Nhiều ngư dân cho biết, nhiều loại cá lớn chết dạt vào bờ. “Loại cá đó sinh sống ở ngoài đại dương chứ ven bờ hàng chục năm nay không thấy xuất hiện”, lão ngư Nguyễn Thành Nam cho biết. Nhiều ngư dân cho biết, chưa thấy năm nào các loài cá ven bờ lại đánh bắt được nhiều như năm nay. “Trước và sau tết số lượng cá trích, cá đục đánh bắt được rất nhiều. Ngư dân chưa kịp mừng thì xảy ra cơ sự này”, ngư dân Võ Xuân Linh cho biết.

Khoảng 15h hôm qua, cũng tại âu thuyền Ba Đồng, có khoảng năm chiếc thuyền đánh cá hoạt động. “Chiều nay, một số ngư dân quá nhớ nghề nên dong thuyền ra biển. Đi cho đỡ nhớ chứ cá đánh về có bán được đâu”, ngư dân Mai Xuân Sơn nói.

Trước sự lúng túng của các cơ quan chức năng khi chưa tìm ra nguyên nhân, những ngư dân ở đây cho rằng để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng cá đánh bắt về chỉ có cách ngư dân phải ăn cá trước. “Phải tiếp tục bám biển, cá đánh bắt về sử dụng trong gia đình. Trước hết bản thân mình phải chứng minh cho mọi người thấy để họ yên tâm ăn cá”, bác Võ Thị Nội nói.

Một lãnh đạo xã Kỳ Lợi cho biết, trong hai ngày trở lại đây, người dân trong xã bắt đầu ra biển đánh cá.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.