Độc giả Hoàng Ân cho rằng: “Nên đưa BHYT là bảo hiểm tự nguyện cho thỏa lòng dân”. Đồng ý kiến với quan điểm này, độc giả Hoàng Linh cũng chia sẻ: “BHYT mặc dù rất cần thiết đối với sức khỏe của học sinh, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đồng tình tham gia BHYT trong khi có rất nhiều loại bảo hiểm khác thay thế…
Do vậy, tôi nghĩ rằng nên để phụ huynh có quyền quyết định cho con tham gia BHYT hay không”. Trong khi đó, độc giả Bùi Ngọc Hoàng viết “BHYT nên đưa ra quyết định trước khi có sự đồng thuận của người dân”.
Trong khi nhiều bạn đọc cho rằng nên để BHYT với học sinh là bảo hiểm tự nguyện thì cũng có một số ý kiến cho rằng việc đóng BHYT không liên quan gì tới trường học và nên để ngành Y lo.
Theo đó, độc giả Võ Thuyết Thẩm viết: “BHYT không liên quan gì tới trường học nhưng lại gây ảnh hưởng tới trường học. BHYT thì để ngành y tế lo, sao lại gây sức ép cho trường học?”.
Tương tự, độc giả tên Thanh cũng cho rằng: “Nhiệm vụ của nhà trường là dạy học, do vậy thời gian và công sức thu BHYT thì nên để giáo viên và nhà trường tập trung việc dạy học…”.
Bên cạnh đó, cũng có một vài ý kiến không đồng tình với mức phí BHYT năm nay cao hơn hẳn mọi năm. “Nếu gia đình có 5 người tham gia BHYT tự nguyện thì mức đóng thấp hơn BHYT học sinh phải đóng. Tổng số tiền phải đóng cho 5 người chưa đến 2 triệu đồng/năm”- độc giả Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Độc giả Bùi Hồng Dương cũng cho biết: “Con gái tôi học lớp 1 mà phải đóng những hơn 600.000 đồng tiền bảo hiểm năm nay. Ức chế…”.
Có thể thấy rất nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc và không đồng tình với mức phí đóng BHYT năm nay cũng như cách thức đóng BHYT qua trường học.
Thiết nghĩ, trước khi nâng mức đóng bảo hiểm từ mức 3,3% lương tối thiểu (năm 2014 trở về trước) lên mức 4,5% như hiện nay, Bộ Y tế nên cân nhắc mức điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện sống của người dân cũng như có sự đồng thuận của người dân trước khi đưa ra quyết định.
Thêm gánh nặng với người nông dân, hộ cận nghèo
Chị Vũ Thúy Nga (Hà Nội) cho rằng, số tiền đóng BHYT tăng thêm, với người có thu nhập bình thường sẽ chả đáng là bao, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay mà tiền đóng bảo hiểm lại tăng, rất khổ cho những những người làm công nhân, những hộ dân nghèo, hộ cận nghèo.
“Dù không phải sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sống ở giữa thành phố sầm uất, với những người công nhân, mỗi ngày chỉ kiếm được hơn một trăm nghìn đồng, để có tiền đóng học cho con, họ phải dành dụm nhiều tháng trời.
Nhiều người bạn tôi là công nhân, việc chi tiêu mua sắm luôn phải dè sẻn, co kéo hết mức, mỗi khoản chi bất thường, dù chỉ tăng thêm vài chục ngàn đồng, luôn là gánh nặng rất lớn”.
Cách tính thu tiền BHYT như hiện nay, theo anh Tài Lanh (TPHCM), không khác gì một trò tăng thu từ đối tượng này để bù cho những đối tượng khác hay nói cách khác là những học sinh sinh viên dù không có thu nhập, vẫn phải đứng ra đóng thế để “gánh thêm” phần đóng góp cho những đối tượng cao tuổi, tránh cho quỹ bảo hiểm bị vỡ.