Ném đá dò đường

Ném đá dò đường
TP - Hoạt động phòng chống lây lan dịch cúm H7N9 và H5N1 ở nước ta nóng lên từng ngày, phần nào trấn an nỗi lo của dư luận. Nhưng vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó!

> Nguy cơ bùng dịch cúm A/H7N9 từ gia cầm lậu
> Dịch cúm H7N9 lan rộng

Đến thời điểm này, vẫn chưa ai biết virus H7N9 nhảy lên người từ vật chủ nào. Hiềm nghi lớn nhất vẫn là gà, vịt, ngan, ngỗng. Bởi thể gia cầm ở các địa phương Trung Quốc (TQ) có người dính bệnh bị tiêu hủy hàng loạt.

Nhưng lại có một thực tế khác. Trong khi chưa tìm được H7N9 trên gia cầm, người ta phát hiện chúng trên bồ câu. Trong khi Thượng Hải không nuôi gia cầm, đặc biệt là gia cầm thả rông, thành phố này lại chịu thiệt hại nặng nhất bởi H7N9.

Đến nay, Thượng Hải có 24 người mắc và chín người chết trong tổng số 63 người mắc và 14 người chết trên toàn TQ. Đây cũng là nơi lần đầu tiên phát hiện một cặp vợ chồng nhiễm, làm dấy lên hoài nghi H7N9 lây từ người sang người. Thượng Hải có một khác biệt là vừa chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm nước khủng khiếp. Trên sông Hoàng Phố, một vạn ba con lợn chết được vớt lên.

Chưa hết, ngưới mắc cúm H7N9 không chỉ khu trú ở mạn đông TQ nữa mà có dấu hiệu xuất hiện ở phía tây và nam đất nước rộng mênh mông này. Các phòng thí nghiệm trên thế giới giờ đây đang chống chọi với H7N9 trong tình trạng “múa gậy trong bị” gần như theo đúng nghĩa đen. H7N9 chưa từng gây bệnh trên người nên không sao lấy được kháng thể để điều chế vaccine. Con người chưa tìm ra nguồn miễn dịch tự nhiên để sản xuất thuốc.

Trong bối cảnh ấy, các thuốc phòng chống cúm hiện hành như zanamivir hay oseltamivir với tên thương mại quen thuộc Tamiflu được xem là vũ khí tạm thời với hy vọng đẩy lui H7N9 mà thôi. Bằng chứng là số hồi phục bởi các phác đồ điều trị cúm hiện hành đếm trên đầu ngón tay.

Thế mà ở ta, mọi thứ có vẻ lạc quan với các tuyên bố “chắc chắn” cả: “chắc chắn” xét nghiệm được, “chắc chắn” có phác đồ điều trị. Và đến giờ là “chắc chắn” chỉ nhắm đến đường lây qua gia cầm.

Dù sau này H7N9 được khẳng định chỉ lây qua gia cầm, cách phòng dịch theo hướng “chắc chắn” của ta hiện nay thực sự cảm thấy chưa yên tâm.

Ngày 14/4, Cục Thú y xác nhận dịch heo tai xanh tái phát tại Nam Định, đưa số tỉnh có dịch này lên con số bốn, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Định. Xin hỏi, tốn kém thêm nhiều không khi mở rộng sang các đối tượng nguy cơ cao khác, trong đó có gia súc chứ không chỉ khu trú giám sát gia cầm?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG